Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động nhận diện nguy cơ ô nhiễm, có giải pháp ứng phó kịp thời. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).
Thưa ông, sau khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 được ban hành và đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã có những hoạt động cụ thể nào để triển khai thực hiện?
ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quy định tại Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08), Bộ Công Thương đã tập trung triển khai xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tái sử dụng, tái chế và sử dụng chất thải làm nguyên liệu, vật liệu thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thực hiện phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ, ứng phó sự cố môi trường; tái sử dụng, tái chế chất thải, BVMT đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện văn bản pháp luật được giao chủ trì xây dựng; quản lý, vận hành, cung cấp, cập nhật thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành; hội nhập và hợp tác quốc tế về BVMT, lồng ghép yêu cầu BVMT trong các hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế; thực hiện nội dung kinh tế tuần hoàn, lồng ghép yêu cầu về BVMT trong chiến lược, quy hoạch, hoạt động đầu tư…
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Công Thương đã ban hành: Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu; Thông tư số 41/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (Thông tư 41); Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương (Thông tư 42)…
Các chính sách này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT trong lĩnh vực công thương, tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trong lĩnh vực công thương.
Qua triển khai thực hiện, Bộ Công Thương có đánh giá thế nào về công tác thực thi của các doanh nghiệp, thưa ông?
Thực hiện quy định tại Thông tư 41 và Thông tư 42, thông qua các đoàn kiểm tra, đoàn công tác đánh giá cho thấy, đơn vị đã cơ bản chấp hành theo các quy định về vận hành, giám sát an toàn, phòng ngừa ứng phó sự cố hồ chứa quặng đuôi. Tính đến nay, đã có khoảng 864 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý khai báo thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương. Đây là công cụ quan trọng giúp Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý môi trường, kịp thời đưa ra các giải pháp kiểm soát, giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Công ty CP DAP số 2- Vinachem tổ chức diễn tập, phòng ngừa sự cố môi trường, sự cố hóa chất vào ngày 25/10/2024. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Tuy nhiên, theo ý kiến tổng hợp từ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương cho thấy, việc hệ thống pháp luật về BVMT có nhiều thay đổi, thiếu ổn định có thể dẫn đến vướng mắc các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các nội dung: Khó xác định đối tượng để cấp Giấy phép môi trường (các tòa nhà văn phòng, các cửa hàng xăng dầu, đường dây truyền tải điện…), thiếu quy định chuyển tiếp về quan trắc tự động liên tục, quan trắc định kỳ, thiếu các quy định và lộ trình áp dụng chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)…
Theo ông, đâu là những “điểm sáng" và "điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực thi Luật BVMT 2020 của ngành Công Thương?
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tại Quyết định số 1375, tính đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Hóa chất - phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ - thủy tinh, nhựa, bia - rượu - nước giải khát; dệt may, khai thác - chế biến khoáng sản; kiểm kê đánh giá việc sử dụng và phát thải các chất hữu cơ khó phân hủy (POP, UPOP) từ ngành da giày, gang thép, phân bón và hóa chất cơ bản; Kiểm kê đánh giá phát thải thủy ngân ngành nhiệt điện than; Nhận diện rủi ro và phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường trong một số ngành công nghiệp như nhiệt điện, da giầy, hóa chất cơ bản; đánh giá tác động tổng thể môi trường và xã hội của một số trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu; đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với tấm pin năng lượng mặt trời...
Dựa trên kết quả điều tra, kiểm kê nguồn thải, nhận diện các nguy cơ ô nhiễm, Bộ tiếp tục tập trung xây dựng các giải pháp, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải trong từng ngành nhằm hạn chế phát sinh chất thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Bộ Công Thương cũng đang tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, đề án ưu tiên của Quyết định 1375 đảm bảo đúng lộ trình, tiến độ và chuẩn bị xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn tiếp theo.
Mặc dù Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có nhiều ngành công nghiệp phát sinh nhiều loại chất thải, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, Luật BVMT 2020 và Nghị định 08 không quy định trách nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp nói trên. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trong ngành Công Thương còn nhiều hạn chế và không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Thu Hường |
Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật về BVMT, hàng năm, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện các nội dung được cơ quan có thẩm quyền giao; triển khai thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ tài nguyên, môi trường quy định tại các văn bản của các cấp có thẩm quyền khác… Tuy nhiên, nguồn kinh phí bố trí để thực hiện các nhiệm vụ rất hạn chế, không đảm bảo thực hiện các nội dung được giao.
Nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm thời gian tới của Bộ Công Thương trong lĩnh vực BVMT là gì, thưa ông?
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quản lý, xử lý các tấm quang năng thải bỏ từ các nhà máy điện mặt trời...
Rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu, vật liệu và tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Duy trì, phát triển cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia theo quy định; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BVMT đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về phát triển ngành công nghiệp môi trường được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật BVMT…
Xin cảm ơn ông!