Nước ép thanh long Bảo Long – Từ 'thủ phủ' thanh long đến Sàn Việt
Tinh hoa từ thanh long chuẩn VietGAP
Vốn được biết đến là “thủ phủ” thanh long, Bình Thuận nổi tiếng với những trái thanh long thơm ngon, ngọt lịm. Những năm qua, thanh long Bình Thuận vươn ra các tỉnh thành trên cả nước và là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương.
Ngoài việc buôn bán và xuất khẩu thanh long tươi, những người nông dân Bình Thuận còn tập trung phát triển các dòng sản phẩm từ thanh long để đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao giá trị của quả thanh long.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu của địa phương từ quả thanh long đó chính là nước ép thanh long Bảo Long với 100% nguyên chất, mang đến cho người sử dụng hương vị của thanh long tươi ngọt từ một loại đồ uống đóng chai tiện lợi, thanh mát.
Nước ép thanh long Bảo Long được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Những quả thanh long nguyên liệu được trồng ở vùng đất nắng gió Bình Thuận với vùng nguyên liệu được canh tác theo chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Thanh long sau khi được người nông dân thu hoạch sẽ được lựa chọn kỹ, rửa sạch, lột vỏ và ép lấy quả. Để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe, Cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất. Cơ sở cam kết sản phẩm chứa 100% nước ép nguyên chất, mỗi lô hàng đều được kiểm định nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường.
Người dân thu hoạch thanh long để sản xuất nước ép. Ảnh: Thanh Hoa |
Là sản phẩm nổi bật của địa phương, nước ép thanh long Bảo Long đạt được nhiều giải thưởng và danh hiệu uy tín như: Chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, lập kỉ lục với sản lượng tiêu thụ hơn 90 nghìn chai vào năm 2022…
Những nền tảng đó đã giúp nước ép thanh long Bảo Long tự tin khi phủ sóng thị trường, tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Một trong những sàn thương mại điện tử uy tín được lựa chọn đó là Sàn Việt (sanviet.vn) – sàn thương mại điện tử hợp nhất do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Là sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận, nước ép thanh long Bảo Long được bày bán trên Sàn thương mại điện tử Bình Thuận (www.binhthuan.sanviet.vn) do Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng. Sàn thương mại điện tử này được tích hợp vào sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (sanviet.vn).
Theo bà Trần Thị Kim Lĩnh (Cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long), từ ngày lên sàn, nước ép thanh long Bảo Long được quảng bá trên một sàn thương mại điện tử uy tín, từ đó, tiếp cận được nhiều khách hàng cũng như đối tác lớn trên cả nước. Việc vận hành trên sàn thương mại điện tử cũng giúp cơ sở tiết kiệm chi phí marketing.
Cơ hội xuất ngoại nhờ Sàn Việt
Việc tận dụng tốt thương mại điện tử cũng giúp Cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long đứng trước cơ hội tìm kiếm, tiếp cận được với các đối tác quốc tế, đưa sản phẩm xuất ngoại để nâng tầm nông sản Việt. Bởi Sàn Việt (sanviet.vn) với sự đỡ đầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương không chỉ hỗ trợ các sản phẩm tiếp cận mạnh mẽ với thị trường trong nước mà còn nhiều sự hỗ trợ để thúc đẩy các sản phẩm hướng đến xuất khẩu.
Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp cận với thương mại điện tử, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, từ tập huấn, nâng cao năng lực đến kết nối, cung cấp công cụ, miễn phí đưa các sản phẩm đặc trưng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử Bình Thuận, Sàn Việt (sanviet.vn).
Hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản, sản phẩm làng nghề… lên sàn thương mại điện tử Bình Thuận, mang lại hiệu quả tích cực trong quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. Đây là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế số của tỉnh Bình Thuận, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm đặc sản của địa phương thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Một trong những lợi thế lớn khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử là khả năng quảng bá mạnh mẽ và chi phí thấp, đặc biệt là những sản phẩm của địa phương như nước ép thanh long Bảo Long. Không chỉ giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm rộng rãi, sàn thương mại điện tử Bình Thuận là nơi người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn các sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Với sự “đỡ đầu” của Sàn Việt (sanviet.vn) và sàn thương mại điện tử Bình Thuận, các sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận sẽ có cơ hội vươn xa hơn, tiếp cận với thị trường quốc tế với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, Bộ Công Thương trong tận dụng hiệu quả thương mại điện tử, kết nối với các dịch vụ thanh toán và vận chuyển hiện đại.
Theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, để tiếp tục duy trì, phát huy thế mạnh của thương mại điện tử, trên cơ sở sàn thương mại điện tử trước đó của địa phương, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương kết nối vào Sàn Việt (sanviet.vn) nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của sàn thương mại điện tử này trong thời gian tới.
“Sau khi được kết nối, sàn thương mại điện tử Bình Thuận được nâng cấp, hoàn thiện và bổ sung thêm các tính năng và liên thông đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (sanviet.vn) cũng như các sàn thương mại điện tử của các địa phương khác. Điều này tạo tác động lan tỏa, quảng bá và xúc tiến thương mại rất lớn cho các sản phẩm của địa phương”, ông Tài nói.
Được biết, sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (sanviet.vn) nằm trong Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương thực hiện nhằm kết nối, phát triển hiệu quả các sàn thương mại điện tử địa phương, vừa đảm bảo tính chất vùng miền, vừa tận dụng được các nền tảng thương mại điện tử chiếm thị phần lớn. Sàn Việt (sanviet.vn) là giải pháp liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả.
Sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành hướng tới 4 mục tiêu chính, gồm: Rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; kết nối các sàn thương mại điện địa phương trên cả nước về một địa chỉ; hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.