Nhận diện thách thức, xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Định hình trung tâm kinh tế biển quốc gia
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy vùng Đông Nam Bộ được xem là đầu tàu cho cả nước về kinh tế.
Cảng Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch là cảng quốc tế tầm cỡ thế giới - (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Các văn bản đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Một trong nhiều chủ trương lớn được xác định đó là “phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”.
Bên cạnh định hướng lớn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Nghị quyết số 24 còn xác định các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng TP. Vũng Tàu trở thành Trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; xây dựng Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong hai cảng biển đặc biệt của quốc gia.
Trên tinh thần đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” để hiện thực hóa chủ trương mà Bộ Chính trị giao.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đến 2050, là trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Nhận diện những “điểm nghẽn”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu có đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho sự phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Bà Rịa – Vũng Tàu có hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, có hạ tầng biển, cảng biển, logistic, du lịch, khai thác thủy hải sản, khai thác dầu khí và công nghiệp ven biển.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng SSIT trong hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, việc khai thác lợi thế của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện nay chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Sự phát triển của cụm cảng không chỉ có ý nghĩa với riêng Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn chung cho cả vùng. Từ đó, doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai khai thác những lợi thế từ phát triển logictics, cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải.
Ngoài ra, hệ thống logistic chưa được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và hiệu quả, hàng đến, hàng đi thiếu hệ thống kho bãi, thiếu đi hệ thống kiểm tra chuyên ngành.
“Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, đo lường nhưng bây giờ doanh nghiệp phải lên TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục như thế thì rõ ràng đây là bất cập rất lớn. Do đó, Trung ương cần nghiên cứu, xem xét thận trọng về vấn đề này để khơi thông tiềm năng lợi thế”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định
Từ thực tiễn công tác, ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, nếu không có giải pháp cụ thể thì đề án sẽ không đi vào hiện thực được.
Theo ông Nguyễn Trọng Minh, Đề án cần nhìn nhận rõ 4 mục tiêu phát triển là phải có một cảng tầm cỡ quốc tế, khu vực cảng đó phải gắn với khu kinh tế tự do; phải phát huy được kinh tế dầu khí vì Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là nơi khai thác, chế biến mà còn là nơi tích trữ, kho bãi lớn; phát triển ngành kinh tế hải sản là đánh bắt và nuôi trồng đặc biệt là nuôi trồng trên biển và nguồn lợi vô hạn từ phát triển du lịch.
Đến 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch là trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, nền hành chính quốc gia cần thông suốt, do đó cần biến thành quy định pháp luật cụ thể chứ không cần phải xin cơ chế chính sách.
“Muốn thực hiện được tất cả những lĩnh vực này đòi hỏi phải có cơ chế chính sách, bộ máy tinh gọn, năng động. Đặc biệt phải mở thẩm quyền cho chính quyền địa phương để phát huy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không phải khó khăn chút lại ra Trung ương xin cơ chế chính sách”, ông Nguyễn Trọng Minh chia sẻ.
Ngoài ra, trung tâm kinh tế biển cần phải gắn liền với vận tải biển, vận tải hàng hải, gắn liền với dịch vụ hàng hải. “Cảng biển phải gắn với đường sắt, giải phóng hàng hóa nhanh thì mới thu hút được tàu lớn trên thế giới vận tải hàng hóa vào, ra với vùng kinh tế biển này”, ông Nguyễn Trọng Minh nói.
Còn ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nút thắt là cơ chế vĩ mô và phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Tuấn Minh nhận định, hiện đã có phân cấp, phân quyền nhưng không trọn gói. Do đó cần cải tiến, đổi mới, làm rõ việc phân cấp, phân quyền.
“Địa phương nhận nhiệm vụ nào phải được làm từ A đến Z, phải được làm xuyên suốt, trọn gói. Nếu không tháo gỡ thì không thể làm được”, nguyên Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng kiến nghị, Trung ương cần mạnh dạn phân quyền, trao cơ chế chủ động tối đa cho Bà rịa – Vũng Tàu trong phát triển kinh tế biển. Đặc biệt nhấn mạnh “thể chế vượt trước” và “cho phép thử nghiệm hình mẫu phát triển”.