Người dân Mường La (Sơn La) dọn dẹp nhà cửa sau cơn lũ quét |
Nhận diện lũ quét
Khi phát sinh những trận mưa rào có lưu lượng lớn, kèm theo gió bão có thể xảy ra lũ quét, lũ bùn đá. Lũ quét, lũ bùn đá xảy ra đột ngột và nhanh chóng có tốc độ chảy lớn ở các thung lũng sông, các hẻm suối, sườn núi tạo các dòng chảy tạm thời, thường chỉ trong 3 đến 5 giờ, kèm theo là những đợt sóng của dòng chảy do dòng bị tắc nghẽn, nhưng sau đó lại được khai thông do sức ép của khối vật chất mang theo mỗi lúc một nhiều, do đó thời gian có thể lại tăng lên tới 8 - 12 giờ.
Dòng chảy lũ có khả năng tàn phá rất mạnh những chướng ngại trên đường đi như nhà cửa, công trình thủy lợi, đường giao thông. Thường ở khu vực này là nơi tập trung khu dân cư nên thiệt hại ở khu vực này sẽ rất lớn và trở thành thảm họa khi xảy ra lũ quét cường độ lớn.
Ngoài những yếu tố tự nhiên, theo các nhà khoa học, những hoạt động kinh tế chính của con người ở vùng miền núi cũng dẫn đến việc tăng cường lũ quét, lũ bùn đá. Đó là việc làm mất rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu quy hoạch; xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông... làm cản trở và thu hẹp dòng chảy của các hệ thống. Ngoài ra, do tập quán và điều kiện sản xuất, bà con các dân tộc thường lựa chọn sống gần nguồn nước, ven bờ sông suối hay trên các sườn núi cao... Đây là những nơi thường hứng chịu nhiều hơn về tần suất xảy ra lũ quét, sạt lở.
Lưu ý các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ bùn đá
Theo các nhà khoa học, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xác định các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ bùn đá, bao gồm:
- Đối với tỉnh Điện Biên: Các sông thuộc lưu vực sông Nậm Lay ở Mường Chà; Thượng nguồn sông Nậm Pô, huyện Mường Lay; lưu vực các sông Nậm Lúa, Nậm Rõm,
Nậm Nưa thuộc 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông; vùng thượng nguồn sông Mã.
- Thượng nguồn các nhánh sông tả ngạn sông Đà ở Mường Tè, Lai Châu.
- Các nhánh sông hữu ngạn sông Hồng ở các vùng Bát Xát, Sa Pa, thị xã Cam Đường, thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai.
- Thượng nguồn Ngòi Hít, Ngòi Thia thuộc các huyện Mù Căng Chải, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn ở tỉnh Yên Bái.
- Các nhánh tả và hữu ngạn sông Đà ở huyện Mường La; các nhánh tả và hữu ngạn sông Mã ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
- Các nhánh thượng nguồn sông Gâm thuộc huyện Yên Minh, thượng nguồn các nhánh ở hữu ngạn sông Lô ở 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Hà Giang.
- Các sông nhánh thượng nguồn sông Cầu và các sông thuộc lưu vực sông Ngân Sơn, Na Rì, Nà Thác ở thị xã Bắc Kạn, 3 huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì ở tỉnh Bắc Kạn.
- Thượng nguồn các nhánh sông chảy vào sông Minh Giang (Trung Quốc) thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Các biện pháp giảm thiểu tác hại của lũ
Trước hết, địa phương cần áp dụng các biện pháp hợp lý trong sản xuất nông, lâm nghiệp để giữ nước, giữ đất, chống xói mòn đất và cạn kiệt nguồn nước. Đặc biệt, chú ý biện pháp trồng rừng và bảo vệ rừng. Quy hoạch cơ sở hạ tầng hợp lý, đặc biệt là bố trí các khu dân cư tránh xa các nơi có nguy cơ lũ quét cao. Xây dựng các hồ chứa, khu trữ lũ và chậm lũ; cải tạo lòng dẫn để tăng khả năng thoát lũ… Đồng thời, hướng dẫn bà con phòng tránh lũ quét, cách nhận biết và phòng tránh lũ quét, sử dụng thiết bị cảnh báo lũ quét tại chỗ và công tác bảo vệ, bảo quản hệ thống thiết bị cảnh báo. Đối với các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ bùn đá cần có phương án di dân đến nơi định cư mới.