Thứ năm 26/12/2024 22:58

Nghệ nhân Tạ Văn Úy - Người truyền lửa cho nghề chạm bạc Hữu Bộc

Miệt mài truyền thụ mọi bí quyết nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật chế tác và thái độ làm nghề, nghệ nhân Tạ Văn Úy (thôn Hữu Bộc, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã và đang trở thành người truyền lửa cho nghề chạm bạc truyền thống tại địa phương.

Vượt qua quan niệm cũ

Nghề chạm bạc truyền thống của Hữu Bộc được lớp lớp các thế hệ trong làng truyền lại. Với quan niệm giữ nghề, suốt một thời gian dài nghề chạm bạc chỉ được truyền dạy cho người dân trong làng, bởi vậy không được nhân rộng. Tuy nhiên, đến những năm 1970, nghề chạm bạc được một số thợ giỏi của làng mạnh dạn truyền dạy cho người ngoài, trong đó nghệ nhân Tạ Văn Úy là một trong những người khởi xướng.

Theo nghệ nhân Tạ Văn Úy, đúng là trước kia các cụ có quan niệm giữ nghề do sợ người học không chịu học đến nơi đến chốn rồi phá nghề. Tuy nhiên tôi lại nghĩ khác, có nghề tốt thì nhân rộng, giúp người dân khu vực xung quanh có điều kiện học, làm nghề và cải thiện cuộc sống. Và trong suốt gần 40 năm làm nghề, với phương thức cầm tay chỉ việc, nghệ nhân Tạ Văn Úy đã dạy nghề cho biết bao người dân.

Nghệ nhân Tạ Văn Úy: Nghề chạm bạc rất khó, một sản phẩm được đánh giá là đẹp thì nét chạm phải nhuyễn nhặn, sắc sảo...

Nghệ nhân có yêu cầu rất cao với người học, bên cạnh năng khiếu, người học cần có tính kiên trì cao, cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc. Nghệ nhân Tạ Văn Úy lý giải, nghề chạm bạc có rất nhiều chi tiết, ngoài 4 kỹ thuật chính: Trơn, đấu, đậu, chạm, người học cần có trí tưởng tượng tốt, vận dụng hình ảnh thực ngoài đời vào sản phẩm cho sinh động, hấp dẫn. “Do vậy, tôi dạy nghề là dạy toàn bộ các kỹ thuật và phải thành thạo mới được ra nghề chứ không học 1 công đoạn và 'tốt nghiệp sớm'”, nghệ nhân Tạ Văn Úy hài hước nói.

Cũng theo nghệ nhân Tạ Văn Úy, chính bởi yêu cầu đó, không ít người học nản lòng và bỏ nghề, nhưng cũng có nhiều người sau khi được nghệ nhân truyền dạy đã trở thành thợ giỏi có tiếng, thu nhập từ nghề cao hơn hẳn mặt bằng chung.

Sau nhiều năm bền bỉ dạy nghề của nghệ nhân Tạ Văn Úy, nghề chạm bạc đã không chỉ bó hẹp trong thôn Hữu Bộc mà đã nhân rộng sang 2 xã cùng huyện là Trà Giang, Lê Lợi. Chạm bạc trở thành nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Trăn trở giữ nghề

Nghề chạm bạc rất khó, một sản phẩm được đánh giá là đẹp thì nét chạm phải nhuyễn nhặn, sắc sảo, nền của sản phẩm phải căng, không được dính níu vào các chi tiết để làm nổi bật các họa tiết. Tuy vậy, theo nghệ nhân Tạ Văn Úy, số thợ có thể làm được những sản phẩm này hiện không nhiều do đã di chuyển sang các địa phương khác sản xuất hàng vàng với thu nhập cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, do chạy theo lợi nhuận, không ít tổ sản xuất tại Hữu Bộc đầu tư máy ép, sản xuất hàng loạt, chạm sơ sài khiến sản phẩm làm ra nhom nhem, giá trị thấp và có thể bán với bất kỳ giá nào, thu nhập của người lao động theo đó sụt giảm mạnh, nhiều lao động đã bỏ nghề.

Mặt khác, trên địa bàn huyện, số doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày ngày càng nhiều cũng hút một lượng lớn lao động của làng nghề. “Đi làm doanh nghiệp, người lao động được trả lương 180 nghìn/ngày, được nghỉ thứ 7, chủ nhật trong khi làm nghề chạm bạc chỉ những người tay nghề thực sự cao mới được trả 200 nghìn/ngày, lại làm cả tuần không nghỉ. Giờ muốn tìm người để đào tạo làm hàng kỹ, hàng đẹp rất khó. Có lẽ chỉ 6-7 năm nữa là không còn người học nghề”, nghệ nhân Tạ Văn Úy lo lắng nói.

Thiếu nhân lực, chất lượng sản phẩm làng nghề xuống dốc, thực sự là bài toán khó giải của làng nghề chạm bạc Hữu Bộc. Tâm lý chạy theo lợi nhuận, giá thành mỗi nhà một kiểu đã tạo sức ép lớn lên những tổ sản xuất hàng kỹ, đảm bảo chất lượng, đồng thời ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề.

Nhiều người thợ được nghệ nhân Tạ Văn Úy truyền nghề đã trở thành thợ giỏi có tiếng

Đã gần 40 năm gắn bó và tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha để lại, nghệ nhân Tạ Văn Úy mong muốn chính quyền các cấp có giải pháp thiết thực quản lý được hoạt động sản xuất của làng nghề; tuyên truyền cho người dân nhận thức được lợi và hại của sản xuất và tiêu thụ hàng kém chất lượng; hỗ trợ vốn cho bà con gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập của người lao động, từ đó giữ chân người dân Hữu Bộc ở lại với nghề truyền thống.

Được biết, nghệ nhân Tạ Văn Úy là một trong số ít thợ có tay nghề cứng còn ở lại Hữu Bộc làm nghề. Ông thành thạo cả 4 khâu kỹ thuật cơ bản, gồm: Trơn, đấu, đậu và chạm. Từ một tấm dát phẳng bằng kim loại, ông có thể sản xuất ra các sản phẩm chạm bạc nghệ thuật được diễn tả bằng hình khối với độ chìm nổi khác nhau. Bản thân tự thiết kế, chế tác được các sản phẩm chạm bạc tinh xảo có giá trị văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.

Những sản phẩm do nghệ nhân Tạ Văn Úy chế tác rất tinh xảo, có giá trị văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật cao

Ông cũng đã đưa sản phẩm tham gia một số cuộc thi, chương trình bình chọn và đạt kết quả tốt, như: Sản phẩm “Tranh Long phụng vọng tâm, Block lịch Long Phát Lộc” đã đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016; Giấy chứng nhận Bàn tay vàng cho tác phẩm “Bộ khay cốc mỹ nghệ chạm trổ hoa văn” năm 2014 của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam.

Việt Nga - Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục