Chủ nhật 22/12/2024 14:34

Nghệ An: Chuỗi giá trị thổ cẩm, hướng thoát nghèo cho phụ nữ dân tộc miền núi

Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực vực dậy nghề dệt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Nghệ An.

Xây dựng thành chuỗi giá trị

Nhiều năm nay, chính quyền cùng phụ nữ Thái ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Nếu như trước đây, sản phẩm của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường không chỉ trong tỉnh, mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Vừa qua, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn được UBND huyên Cuông hỗ trợ kinh phí xây dựng gian trưng bày sản phẩm của chị em trong hợp tác xã

Bản Xiềng nằm trong tuyến du lịch Vườn quốc gia Pù Mát ở huyện Con Cuông, vài năm trở lại đây trở thành điểm du lịch cộng đồng khá hấp dẫn. Khách đến bản Xiềng để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động sản xuất truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nghề mây tre đan, làm rượu cần, mua hàng hóa... Việc khôi phục và giữ được nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em phụ nữ Thái ở Môn Sơn có được việc làm, tăng thêm thu nhập.

Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn - người đã góp phần khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở bản Xiềng cho biết, sau những ngày mùa màng bận rộn, chị em lại quây quần bên nhau, cần mẫn với xa quay sợi, khung dệt tạo ra những sản phẩm hết sức độc đáo. Thế nhưng, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng.

“Từ niềm đam mê, muốn giữ nghề dệt truyền thống của cha ông từ bao đời nay, các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào mình. Chị em cũng phấn khởi hơn bởi giờ đây nó không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống...”, chị Hằng cho hay.

Chị Hà Thị Hằng bày tỏ: "Trước đây chị em chỉ dệt những tấm vải lớn để tặng cho con, cho em thôi, không bán được, không ai mua vì cái tấm đó to quá. Giờ mình bán được là nhờ sáng tạo, bà con dùng máy may để tạo ra túi xách, túi điện thoại, váy áo may sẵn, những chiếc khăn choàng với họa tiết, hoa văn bắt mắt... Ngay ở bản Xiềng, hợp tác xã đã được UBND huyện hỗ trợ không gian để bày bán sản phẩm của chị em…”.

Hai mẹ con chị Hà Thị Hằng bên khung dệt

Xây dựng chuỗi giá trị đối với nghề dệt truyền thống không chỉ giúp đồng bào Thái miền núi Con Cuông bảo tồn trang phục truyền thống mà còn thay đổi mẫu mã, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm được nhiều địa phương triển khai hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với du lịch tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Xiềng ở Con Cuông. Thông qua Hợp tác xã làm cầu nối, sản phẩm của đồng bào được thị trường biết đến và có đơn đặt hàng ổn định.

Chị Hằng cho biết thêm, nhiều năm nay chị em trong hợp tác xã cũng đã được nhiều chương trình hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, “Chị em trong tổ cần nhất cách tạo mẫu sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, giới thiệu ẩm thực địa phương và trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống phục vụ du khách…

Ông Ngân Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho hay, thực hiện đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt của địa phương, những năm qua, xã luôn phấn đấu lưu giữ và thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Ngoài việc khôi phục lại nghề, trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ trở thành một trong những nghề phát triển đi kèm du lịch tại địa phương, đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dệt thổ cẩm trở thành “nghề thoát nghèo”

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Thái ở Con Cuông (huyện miền núi nghệ An). Đã có giai đoạn nghề dệt thổ cẩm nơi đây đứng trước nguy cơ mai một. Để khôi phục làng nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một, chính quyền và người dân nơi đây đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả nghề dệt, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ bản Xiềng (Môn Sơn) được khách hàng ưa chuộng

Theo bà Hà Thị Kích – người dệt thổ cẩm lâu năm ở bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn chia sẻ, để có được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi tiết. Trước kia, để có sợi thì phải trồng bông, nuôi tằm lấy kén rồi mới kéo ra sợi, sau đó sợi được đưa vào khung vuông rồi chạy quanh ống chỉ để se...

Ngày nay, xã hội phát triển công đoạn dệt nên tiện lợi hơn rất nhiều. Theo đó, sự sáng tạo cùng những đôi bàn tay khéo léo đã bắt kịp nhu cầu thị trường, bà con dùng máy may để tạo ra túi xách, bao đựng điện thoại, những chiếc khăn choàng với họa tiết, hoa văn bắt mắt...

Theo ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông: “Việc bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái trên địa bàn huyện Con Cuông là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra để đồng bào Thái sống được với nghề, yên tâm bám nghề…”.

Việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng. Vì thế, ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, thị trường được mở rộng, giúp tăng việc làm và tăng thu nhập. Hiện tại, huyện đang tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.

Ông Ngân Văn Trường cho biết thêm: “Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm của người Thái trên địa bàn có nguy cơ mai một, thất truyền, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã làm hạt nhân để tuyên truyền vận động bà con trong các bản khôi phục nghề dệt truyền thống. Để bà con có vốn sản xuất xã đã chủ động làm việc với huyện, với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn để mua nguyên liệu đầu tư. Đặc biệt, chính quyền cũng vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra tổ chức thành lập các tổ sản xuất, các hợp tác xã để tiến tới chuyên nghiệp hóa nghề dệt, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ…”.

Được biết, hiện nay huyện Con Cuông đã thành lập được nhiều tổ dệt thổ cẩm ở các bản trong xã. Bước đầu các hợp tác xã đã hoạt động có hiệu quả và tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương.

Chị Hà Thị Hằng cho hay, nhận thấy tiềm năng cũng như mong muốn của nhiều người trong xã rất muốn khôi phục nghề dệt, chị đã đứng ra tổ chức thành lập hợp tác xã để liên kết các tổ sản xuất trên địa bàn. Được sự hỗ trợ của chính quyền, đến nay hợp tác xãđã thu hút được 40 hộ tham gia và đi vào sản xuất ổn định, bước đầu đem lại thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng người/tháng. Cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng không ngừng tăng về số lượng. Trung bình mỗi năm bà con sản xuất trên 13.000 sản phẩm các loại.

Điều đáng ghi nhận là khi hợp tác xã bản Xiềng được thành lập thì không khí sản xuất thổ cẩm trên địa bàn ngày càng phát triển. Hợp tác xã đã cử một số chị em đi các nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... để học hỏi. Sau những lần đi thăm quan, học hỏi từ các địa phương trong, ngoài tỉnh, bà con đã sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới. Vì thế sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và đa dạng được người tiêu dùng ưa thích.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Miền núi Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024

Quảng Ninh: Hạ Long tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị cho bầu cử