Chủ nhật 22/12/2024 21:42

Ngát thơm hương trầm Hà Tĩnh

Ở vùng miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, các sản phẩm trầm hương như Tâm Thiên Hương đã và đang giúp nâng giá trị cho cây dó trầm, nâng cao đời sống cho người dân.

Sản phẩm quý từ địa phương

“Tôi tên Trang, chị cứ lưu tên là “Trang – nữ hoàng nhang khói” cho dễ nhớ!”. Nguyễn Thị Huyền Trang – cô giám đốc 9X của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (TP. Hà Tĩnh), chủ thương hiệu trầm hương Tâm Thiên Hương gây ấn tượng với tôi ngay lần đầu gặp mặt bằng nụ cười giòn tan và câu nói “thương hiệu” như vậy. Giải thích với tôi về cái tên ấn tượng, Trang cười tươi nói: “Vì tôi luôn muốn ai nhắc đến tên mình đều nhớ về sản phẩm mang thương hiệu Tâm Thiên Hương – đó là trầm hương”.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (đứng) tại xưởng sản xuất trầm hương (Ảnh: NVCC)

Ở "đất trầm" Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Huyền Trang không phải là một người làm trầm hương lâu đời, nhưng ở cô gái này luôn toát lên vẻ nhiệt huyết và tình yêu vô hạn với sản phẩm quê nhà. Trang kể, trước đây, chị từng làm du lịch và bán vé máy bay nhưng luôn đam mê với trầm. Hơn nữa, gia đình chồng lại ở Hương Khê, vốn là xứ trầm với những cánh rừng dó trầm bạt ngàn.

Ở huyện Hương Khê, cây dó trầm mọc rất nhiều, nhưng vùng đất được xem là thủ phủ của loài cây này là xã Phúc Trạch. Theo UBND xã Phúc Trạch, địa bàn xã Phúc Trạch có tới 98% hộ gia đình trồng cây trầm hương với tổng diện tích trên 350 ha; diện tích cho thu hoạch trầm hương gần 200 ha; hàng năm diện tích cây trầm hương không ngừng được mở rộng, đây là nguồn nguyên liệu tại chổ dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho các cơ sở, hộ gia đình, hợp tác xã chế tác các sản phẩm từ cây trầm hương (sau khi được công nhận làng nghề vùng nguyên liệu tăng thêm hơn 10 ha so với thời điểm chưa được công nhận).

Mặc dù sinh sống trên thủ phủ cây dó trầm nhưng trước đây, người dân không biết giá trị lớn của nó, cây dó trầm lớn lên được người dân chặt bỏ để làm nhà cửa. Thời gian sau đó, khi thấy các thương lái ngoại tỉnh nô nức về Hà Tĩnh tìm mua loại cây này, người dân xã Phúc Trạch dần nhận biết được giá trị của cây dó trầm. Họ không còn chặt cây dó trầm để làm nhà, ngược lại đua nhau tận dụng các khoảnh đất trống ươm giống, trồng cây.

Nhưng, không phải cây dó trầm nào cũng cho trầm hương. Người dân phải chặt cây dó trầm về, sau đó chặt, cưa, và xoi hết phần gỗ thịt, chỉ lấy phần trầm mà người trong nghề thường gọi là “trai” để bán cho thương lái. Từ mỗi cây dó chu vi hàng chục, thậm chí hàng trăm centimet cũng chỉ chắt lọc được một vài kilogam trầm. Công việc rất mệt nhọc và đòi hỏi sự tỉ mẩn. Trầm hương quý là vì công sức đó.

Sống trên đất trầm, chị Nguyễn Thị Huyền Trang chia sẻ, tôi rất may mắn khi gia đình chồng tôi có truyền thống làm nghề lâm nghiệp. Cha chồng chị đã dành trên 40 năm gắn bó với nghiệp bảo vệ, chăm sóc và tái sinh những cánh rừng trên đất Hà Tĩnh. Trong đó, cha đã dành 30 năm để trồng, chăm sóc, bảo tồn cây dó trầm trên đất Hương Khê. Không biết từ khi nào, những câu chuyện kể của cha về rừng, về cây dó trầm, về mùi hương đặc biệt của trầm hương trong những bữa cơm, hay buổi chiều về thăm trang trại trồng cây gió của gia đình đã cuốn hút, thôi thúc chị khám phá và khởi nghiệp với trầm hương.

Để thỏa mãn niềm đam mê, khát vọng của mình, cách đây 3 năm, vợ chồng chị đã quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang khởi nghiệp với trầm hương, lấy thương hiệu: Trầm hương Tâm Thiên Hương. Trụ sở được đặt tại TP. Hà Tĩnh để tiện cho việc sản xuất và kinh doanh.

Tuy thời gian hoạt động chưa dài, nhưng xuất phát từ lợi thế có vùng nguyên liệu chất lượng cao, kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với cây dó trầm gió của cha cùng như quá trình tìm hiểu, nghiêm cứu về thế giới trầm hương, chị Trang đã xây dựng cho mình bộ sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương bao gồm: nụ trầm, hương trầm, hương vòng, vòng đeo tay… Cũng như con người, trầm hương hội tụ đủ hương vị: chua, cay, mặn, ngọt… Với vốn kinh nghiệm am hiểu tường tận của mình, chị đã điều chế các mùi vị để tạo ra sản phầm Trầm hương Tâm Thiên Hương có hương thơm tự nhiên đặc trưng riêng.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản địa phương khác, cây dó trầm cũng gặp tình trạng khó khăn về đầu ra, một phần là vì sự quảng bá thương hiệu chưa được đúng mức. Chưa kể, giá trị của trầm hương Hà Tĩnh cũng không cao như các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, do chưa có thương hiệu.

Quyết tâm tìm lại giá trị cho sản phẩm

Với quyết tâm đưa sản phẩm tìm về đúng giá trị của mình, chị Trang đã cùng gia đình xây dựng phổ sản phẩm đa dạng. Đồng thời, xây dựng câu chuyện đặc biệt từ chính sản phẩm đặc biệt của quê nhà. Với trầm hương Hà Tĩnh, đó là câu chuyện về thủ phủ cây trầm hương lớn nhất Việt Nam. Ở đây không chỉ có những cây dó trầm lâu năm mà còn có những người đã gắn bó, tâm huyết cả đời với những sản phẩm trầm hương, đã chứng kiến cả những thăng trầm của một sản phẩm nông sản đặc biệt của địa phương.

Không chỉ sản xuất trầm hương, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang còn trồng cây dó trầm (Ảnh: NVCC)

Để tạo được sự khác biệt cho trầm hương Tâm Thiên Hương, chị Trang và gia đình quyết tâm phải làm sao sản xuất được sản phẩm chất lượng nhất. Theo đó, các sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương gây ấn tượng bởi mùi hương ngọt dịu đặc trưng của đặc sản trầm hương Hà Tĩnh. Có được điều này là do sản phẩm được lựa chọn từ nguồn nguyên liệu chất lượng. Sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương chỉ được lấy từ hai nguồn, hoặc từ nguồn trầm hương tự nhiên của gia đình, nguồn thu mua (cũng từ tự nhiên) hoặc nguồn trầm hương vi sinh lâu năm.

Đồng thời, sản phẩm cũng được cam kết hoàn toàn không sử dụng hoá chất và phụ gia, chỉ sử dụng hoàn toàn từ trầm hương. Chất kết dính cũng được sử dụng từ bột cây bời lời thu mua của người dân. Do đó, sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng ngay từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm.

Đặc biệt, những người sản xuất tại công ty đều là lao động được trau dồi kỹ thuật kinh nghiệm lâu năm. Từ những khúc gỗ trầm bé nhỏ thơm nức mùi hương, qua bàn tay nghệ nhân lành nghề đã sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Không chỉ là sợi dây kết nối linh thiêng với thế giới tâm linh, Trầm hương Tâm Thiên Hương còn được xem là liều thuốc tinh thần có tác dụng an thần, thư giãn. Mùi thơm dịu nhẹ giúp con người thoải mái tinh thần, thư giãn đầu óc, tâm hồn trở nên bình hòa, điềm tĩnh hơn, điều tiết vận hành, khai thông khí huyết trong cơ thể…

Bên cạnh sản phẩm chất lượng, mẫu mã bao bì của sản phẩm cũng được công ty sản xuất đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng được nhu cầu thương mại của các kênh phân phối. Hiện sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương đã đạt chứng nhận ISSO 9001:2005, thể hiện rõ nét cam kết chỉ sản xuất ra sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang.

Đầu năm 2021, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang đăng kí tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương với các sản phẩm nụ trầm hương, nhang trầm hương, vòng tay trầm hương các loại… Chất lượng đảm bảo đã giúp trầm hương Tâm Thiên Hương vinh dự đạt chứng nhận OCOP 4 sao, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Đặc biệt, không chỉ sản xuất sản phẩm đơn thuần, chị Trang và gia đình còn tăng cường việc trồng, chăm sóc cây dó trầm để đảm bảo có được nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ sản xuất. Từ đó đảm bảo các sản phẩm của mình giữ được chất lượng tốt nhất, không pha tạp.

Hiện nay, sau 4 năm có mặt trên thị trường, các sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương đang đến với người tiêu dùng thông qua kênh bán tại cửa hàng ngay ở địa phương, các kênh phân phối trên cả nước; bán online qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; bán qua kênh cộng tác viên. Doanh thu mỗi năm của công ty riêng mảng trầm hương đạt khoảng gần 2 tỷ đồng, đang tạo ra công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng cho những lao động toàn thời gian.

Người ta ví rằng, ở Hương Khê, đứng ở đâu cũng có thể nhìn thấy cây dó trầm. Nhiều thế hệ người dân ở Hương Khê như chị Nguyễn Thị Huyền Trang vẫn đang nỗ lực phát triển sản phẩm của làng nghề đa dạng hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần giúp danh tiếng của trầm hương Hà Tĩnh ngày càng vươn xa hơn.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Lai Châu: Tìm thị trường bền vững cho các sản phẩm chè

Chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

Đưa nông sản chủ lực của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử

Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển thương mại, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng

Petrolimex Hà Giang: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu và lan toả nghĩa tình đồng bào

Longform | Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Quý IV, sẽ có khoảng 400 tấn nông sản được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử buudien.vn

Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi

Khẳng định giá trị thương hiệu ‘Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành’

Longform | 'Xanh hoá' sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản trên thị trường

Hoà Bình: Gia tăng tiêu thụ cam Cao Phong trên sàn thương mại điện tử

Longform | Sàn thương mại điện tử Việt tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi

Sạt lở ở Hà Giang, hàng hóa thiết yếu vận chuyển ra sao?

Bắc Kạn tập trung phát triển và quản lý chợ

Quảng Ninh: Tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị chè Hải Hà

Nông sản Bắc Kạn tham dự hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành

Quảng Ngãi: Nâng tầm giá trị nông sản miền núi

Bưu điện tỉnh Điện Biên hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản Lai Châu trên sàn thương mại điện tử