Năng lực cạnh tranh ngành cơ khí: Muốn có công nghệ, phải có vốn
Doanh nghiệp cơ khí cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ |
Thiếu sức cạnh tranh
Cơ khí chế tạo là ngành có vị thế quan trọng trong việc cung ứng các linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị và tư liệu sản xuất, tạo động lực phát triển nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành cơ khí hiện nay có sức cạnh tranh thấp, các DN trong nước đầu tư chắp vá, dàn trải với công nghệ sản xuất khép kín, lạc hậu.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) - nhận định, hơn 15 năm qua, một số DN đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, số DN này còn quá ít, đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững.
Mỗi năm, nước ta phải tốn vài chục tỷ USD nhập máy móc, thiết bị để xây dựng các công trình, phát triển ngành công nghiệp trong nước. Trong khi đó, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, thậm chí nhiều người còn cho rằng, chúng ta đang "thua trên sân nhà". "Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các cấp, ngành chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò cần thiết xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách của nhà nước chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí" - ông Đỗ Phước Tống cho biết.
Theo ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít DN, đặc biệt là DN FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Do đó, chủ động đẩy mạnh chuyển giao và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo các thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường là một trong những mục tiêu trọng tâm trong phát triển ngành cơ khí chế tạo của Hải Dương thời gian tới.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sản xuất cơ khí phải là sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa, số hóa. Điều này tạo ra sức ép đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất đối với các DN cơ khí chế tạo.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - cho hay, DN cần tối ưu hóa mô hình hoạt động để đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh bằng việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và hình thành những trung tâm gia công cơ khí để có thể có hệ thống sản xuất linh hoạt, đáp ứng được với yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường và có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Với điều kiện về thực trạng ngành cơ khí chế tạo và điều kiện kinh tế hiện tại, cần ưu tiên phát triển các sản phẩm tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, cần hình thành các viện, công ty thiết kế có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài, có khả năng làm chủ thiết kế đến sản phẩm cuối cùng cho các dự án.
Theo các chuyên gia, đối với ngành cơ khí, việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ rất cần thiết, mang tính chất đầu tư dài hạn, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp rất hạn chế.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HAMEE: DN cơ khí thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất cũng như thay thế thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ. Để phát triển, ngành công nghiệp cơ khí rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ DN Việt Nam vay vốn để đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng sản xuất. |