Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số
Tỉnh Gia Lai là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm gần 50%), chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, nhận thức còn hạn chế nên ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm của đồng bào chưa cao. Vì vậy, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số.
PC Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả |
Toàn tỉnh có 220/220 xã, phường, thị trấn với 99,6% hộ dân sử dụng điện. Đồng nghĩa với tất cả các hộ dân được sử dụng điện để phục vụ đời sống sinh hoạt. Xác định đảm bảo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, PC Gia Lai tập trung nhân lực xuống tận các thôn, làng hướng dẫn trực tiếp và tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức cho đồng bào trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là vận động từ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để về tuyên truyền lại cho bà con trong làng và người thân trong gia đình.
Có mặt tại làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trong buổi sinh hoạt thôn, ông Đinh Gớp – Trưởng thôn cho biết, năm 2004, lần đầu tiên bà con trong làng mới biết cái điện khi được Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tặng máy phát điện chạy bằng sức gió. Chiếc máy lúc đầu thiết kế để 6 nhà có thể được dùng chung, nhưng cuối cùng chỉ có 2 nhà có điện, mà cũng chỉ có khoảng 2 giờ mỗi ngày, ánh sáng rất yếu. Tiếng ồn của nó cũng làm nhiều người già trong làng khó ngủ. "Giờ Nhà nước quan tâm đã kéo điện lưới quốc gia về tận làng để phục vụ bà con, chúng ta phải biết sử dụng điện thật tiết kiệm, không lãng phí nguồn điện nhà nước”, Trưởng thôn Đinh Gớp nhắc nhớ những người dân có mặt, đồng thời cầm những tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện do PC Gia Lai cấp phát và chỉ vào từng hình ảnh để hướng dẫn bà con cách tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn, như: thay bóng đèn chiếu sáng thành bóng đèn sợi đốt huỳnh quang; vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên; tắt các thiết bị điện khi ra ngoài; tắt tivi khi không sử dụng…
Tuyên truyền tiết kiệm điện cho người dân trong thôn, làng |
Theo trưởng thôn Đinh Gớp, tiết kiệm điện không phải là không sử dụng điện mà là sử dụng hợp lý, vì điện rất quan trọng trong đời sống của bà con. Theo thống kê, làng có tổng cộng 80 hộ, và 100% đều được dùng điện. Có điện, nhiều hộ mua ti vi, nồi cơm điện, có hộ mua máy xay xát để phục vụ cả làng. Có điện, việc dạy và học ở làng cũng thuận lợi hơn. Điện về không chỉ thắp sáng buôn làng mà còn mang theo ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào nghèo. Bà con trong làng giờ đã có điều kiện được tiếp cận nhiều hơn với thông tin, với khoa học kỹ thuật thông qua ti vi, máy tính để học hỏi áp dụng vào sản xuất, qua đó thay đổi cuộc sống của gia đình.
Khi được hỏi về cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, ông Gep – người dân làng Pờ Yầu chia sẻ: “Trước đây khi mới có điện, nhà mình để nó chạy cả ngày, ti vi con mình mở cho nó nói cả ngày cho vui, khi nào đi ngủ mình mới tắt thôi. Có lần đến tháng tiền điện nhiều quá, gia đình mình không có đủ tiền trả, bị cắt điện. Sau khi được cán bộ ngành điện và trưởng thôn hướng dẫn những việc làm tiết kiệm điện đơn giản như: tắt đèn khi không sử dụng, tắt mọi chế độ ở ti vi và đầu thu vệ tinh, hiện giờ, gia đình tôi chỉ sử dụng hết 60 nghìn đồng tiền điện/tháng”.
Để tìm hiểu thêm về việc tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi theo chân công nhân Điện lực Chư Păh (PC Gia Lai) tìm hiểu cách sử điện an toàn, tiết kiệm của các hộ dân ở làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka. Điểm chúng tôi đến là gia đình ông Rơ Chăm Jú - già làng làng Mrông Ngó 3. Trước mắt chúng tôi là hệ thống điện trong nhà được lắp đặt đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, các thiết bị điện được lắp đặt và bố trí một cách hợp lý. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là khi một thành viên đi trong đoàn vào nhà bật công tắt điện thì được chủ nhà tắt và nói ngay: “Mình chỉ cần mở của sổ là đã đủ ánh sáng rồi, không cần phải bật điện”. Theo ông Rơ Chăm Jú, gia đình ông ngoài việc sử dụng điện để thắp sáng thì ông còn sử dụng điện để bơm tưới cây cà phê, sử dụng điện để buôn bán quán. Đối với gia đình ông, điện không thể thiếu, do đó ông rất ý thức về việc sự dụng điện như thế nào vừa tiết kiệm, vừa an toàn đêm lại hiệu quả cao nhất.
PC Gia Lai "đi từng ngõ, ngõ cửa từng nhà" để tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh |
Già làng Rơ Chăm Jú được xem là “cánh tay nối dài” của ngành điện tại làng Mrông Ngó 3, là cầu nối giúp cán bộ nhân viên ngành điện hướng dẫn, tuyền truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số. Giờ người dân làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka ai cũng làm theo già làng Rơ Chăm Jú biết cách sử dụng điện tiết kiệm và an toàn.
Theo ông Trương Quang Long – Giám đốc Điện lực Chư Păh, để nâng cao nhận thức của khách hàng về sử dụng điện một cách hợp lý, an toàn và tiết kiệm, thời gian qua, PC Gia Lai đã làm tốt công tác tuyên truyền công tác tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng; tại trụ sở đơn vị, các quầy thu ngân; tuyên truyền thông qua già làng, trưởng thôn; phát hành tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Đặc biệt, PC Gia Lai còn kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị gương mẫu thực hiện tiết kiệm điện, xây dựng thói quen của người sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sinh hoạt gia đình cũng như trực tiếp xuống các tổ dân phố, cụm dân cư phát cẩm nang tuyên truyền tiết kiệm điện. Với đa dạng hình thức tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã ý thức được việc tiết kiệm điện, qua đó góp phần giảm chi phí của người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là trong điều kiện ngành điện vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư.