Mở rộng Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La: Tăng liên kết giao thương trên hành lang kinh tế Đông - Tây
Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La nằm ở Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện tại Cảng Hòn La mới có 01 bến, chỉ cho tàu 20.000DWT cập bến nên không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cảng của các doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển vật tư, thiết bị và hàng hóa qua cảng Hòn La của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp của tỉnh và các tỉnh trong Hành lang kinh tế Đông Tây từ Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Cha lo về Cảng Hòn La ngày càng tăng nhanh.
Theo đánh giá, cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sự phát triển của Khu kinh tế Hòn La trong thời gian tới; lượng hàng hoá giao thương từ các nước Thái, Lào đi qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo về Cảng Hòn La ngày càng nhiều, việc đầu tư xây dựng: “Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La” là cần thiết. Vịnh Hòn La đã được quy hoạch cảng tổng hợp, theo dự báo thì khu bến tổng hợp Hòn La đến năm 2020 lượng hàng dự báo thông qua cảng khoảng 3,2 triệu tấn/năm và đến năm 2030 lượng hàng dự báo thông qua cảng là 6-7 triệu tấn/năm. Do đó, mục tiêu dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa cho Khu kinh tế Hòn La, các nhà máy trong các khu công nghiệp của tỉnh và vận chuyển hàng hóa từ Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan về Cảng Hòn La.
Được biết, các nhà đầu tư Công ty Cổ phần Cảng Hòn La được góp vốn bởi các tập thể và cá nhân gồm: Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam; Công ty TNHH Cảng Vân Phong; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh. 2 cá nhân tham gia là ông Phùng Văn Phát và ông Nguyễn Đình Thi. Tất cả thành viên góp vốn thống nhất ủy quyền cho ông Phùng Văn Phát làm đại diện thực hiện thủ tục pháp lý của Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La.
Mở rộng Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La nhằm đáp ứng thuận lợi việc vận chuyển hàng hóa của địa phương; Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan ra với quốc tế |
Quy mô đầu tư dự án: Gồm 4 bến cập tàu; giai đoạn 1: 02 bến (01 bến cho tàu 50.000DWT và 01 bến cho tàu đến 100.000DWT); giai đoạn 2: 02 bến (01 bến cho tàu đến 70.000DWT và 01 bến cho tàu đến 100.000DWT); khu nước trước cảng gồm: vũng đậu tàu và khu quay trở, khu bãi; các kho bãi chứa hàng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Năng lực hàng hóa thông qua cảng giai đoạn 1 khoảng 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 khoảng 6 triệu tấn/năm. Diện tích sử dụng: Khoảng 38,82ha (đất xây dựng chi tiết 25,01ha, khu mặt nước biển neo đậu 13,81 ha). Tổng vốn đầu tư dự án: 2.122 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.
Ông Trần Văn Thường - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho hay, hiện nay, quy hoạch khu bến cảng tổng hợp Hòn La đã được cập nhật và phê duyệt trong quy hoạch tổng thể Hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án kỳ vọng sẽ đáp ứng các loại tàu tổng hợp, container, hàng lỏng, khí với trọng tải đến 50.000 tấn; tàu hàng rời đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế 225.000 tấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển. Theo đó, Cảng biển Hải Phòng và Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là hai cảng biển loại đặc biệt của Việt Nam. 11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ. 7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hậu Giang và Trà Vinh. 14 cảng biển loại III gồm: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau và Kiên Giang. |