Khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam |
Những năm gần đây, sự xuất hiện thường xuyên của lá cờ Việt Nam trên bục trao giải khiến Army Games - hội thao quân sự quốc tế thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức - trở thành một sự kiện được khán giả từ Việt Nam chờ đợi. Góp phần trong những tấm huy chương Việt Nam đạt được đó là những mô hình mô phỏng “Make in Vietnam”, đặc biệt hơn là Make by Viettel.
Hệ thống mô phỏng máy bay thế hệ 4.5 có nhiệm vụ huấn luyện phi công bay thực hiện các thuật lái từ đơn giản tới cao cấp, bay trong nhiều điều kiện khác nhau |
Từ năm 2016, Trung tâm Mô hình Mô phỏng, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) được thành lập. Sản phẩm đầu tiên mà đơn vị này nghiên cứu là hệ thống mô phỏng xe tăng T54B, T55, xuất phát từ nhu cầu thực tế tại Binh chủng Tăng thiết giáp.
Khi đó, Binh chủng đang sử dụng hệ thống mô phỏng tăng mua từ Ukraina. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, mô hình này phát sinh một số vấn đề như: Hoạt động không ổn định, thường xuyên cần sửa chữa; đồ hoạ chất lượng chưa tốt; nội dung bài tập huấn luyện theo giáo trình nước ngoài, không khớp với bài tập mà Binh chủng đang dạy… Binh chủng Tăng thiết giáp và VHT đã cùng xây dựng đề tài nghiên cứu mô hình mô phỏng xe tăng.
Từ con số 0 về công nghệ mô hình mô phỏng, đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, mô hình mô phỏng xe tăng T54B, T55 của VHT được Binh chủng Tăng thiết giáp đánh giá mang nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống mô phỏng tăng mua từ nước ngoài trước đó.
Phần mềm hiện đại hơn, thiết kế đẹp hơn, cơ cấu chuyển động 6 bậc tự do mô phỏng tốt và mượt mà. Đáng chú ý, hệ thống hoàn toàn bám sát theo giáo trình huấn luyện của Binh chủng Tăng thiết giáp, đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Tính đến nay, VHT đã bàn giao cho Binh chủng Tăng thiết giáp là 06 tổ hợp gồm 18 hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp xe tăng T54B, T55.
Tương tự với mô hình mô phỏng xe tăng, cách tiếp cận của VHT để nghiên cứu thành công hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 cũng là cách làm chưa có tiền lệ.
Để dựng được mô phỏng máy bay, cách tiếp cận phổ biến là cần có dữ liệu từ nhà sản xuất máy bay nhằm xây dựng hệ thống mô phỏng. Tuy nhiên, khi VHT đề cập vấn đề này với nhà sản xuất tại Nga, câu trả lời chỉ là con số 0.
Người Viettel đã xây dựng bộ dữ liệu máy bay SU-30MK2 của riêng mình bằng cách phối hợp với các chuyên gia của Quân chủng Phòng không - Không quân khảo sát nghiên cứu trên mô hình máy bay thật, sau đó xây dựng mô hình số 3D, tính toán khí động học trên mô hình số…
Sau khi hoàn thiện, hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 được đánh giá có cấu hình và tính năng tương đương với sản phẩm Buồng tập lái máy bay SU-30MK2 của hãng Tranzas, hiện đang được Quân chủng Phòng không - Không quan khai thác sử dụng.
Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hệ thống đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo bộ chỉ tiêu chiến - kỹ thuật, hệ thống cơ bản đáp ứng yêu cầu huấn luyện cho phi công, kíp dẫn đường và kíp chỉ huy bay SU-30MK2; đáp ứng yêu cầu huấn luyện kỹ thuật lái dẫn đường trong các điều kiện khí tượng từ giản đơn đến phức tạp…
Quá trình từ những ngày đầu còn loay hoay tìm hiểu công nghệ mô hình mô phỏng cần gì, thế giới đang phát triển ra sao cho đến khi đạt bằng sáng chế của Mỹ về công nghệ mô hình mô phỏng là minh chứng rõ nét cho thấy sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu chính là chìa khoá để VHT nghiên cứu thành công nhiều mô hình mô phỏng huấn luyện quân sự và dân sự.
Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, công nghệ mô phỏng đang đóng vai trò quan trọng trên nhiều mặt của các hoạt động quân sự hiện đại như nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm vũ khí trang bị mới và cho phép huấn luyện dưới nhiều hình thức… |