10 địa phương nào đã “bứt tốc” lên nhóm đầu về chỉ số công nghiệp tăng cao? Infographic | Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2023: Ghi nhận những điểm sáng |
Địa phương có IIP tăng cao nhất là tỉnh miền núi Lai Châu
Nền kinh tế Việt Nam đã có bước khởi đầu suôn sẻ trong tháng đầu tiên của quý III/2024, từ đó góp phần quan trọng duy trì đà phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Địa phương có chỉ số IIP 7 tháng tăng mạnh nhất là Lai Châu với mức tăng 64,3% |
Địa phương có chỉ số IIP 7 tháng tăng mạnh nhất là Lai Châu với mức tăng 64,3% so với cùng kỳ, kế đến là Trà Vinh với mức tăng 48,6%; Khánh Hòa tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 36,9%... Một số địa phương khác như Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên cũng có chỉ số IIP tăng cao.
Theo lý giải của cơ quan thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Đáng chú ý, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%.
Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao trong 7 tháng gồm: Khánh Hòa tăng 258,5%; Lai Châu tăng 66,4%; Cao Bằng tăng 62,1%; Điện Biên tăng 51,8%; Sơn La tăng 35,2%; Thanh Hóa tăng 33,0%; Phú Thọ tăng 15,3%.
Xu hướng phục hồi trong sản xuất công nghiệp ngày càng trở nên rõ nét hơn. Trong báo cáo gần đây về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Lấy lại hào quang”, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đã khép lại quý II/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%.
“Lâu rồi nền kinh tế Việt Nam chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới. Thậm chí, kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong quý II vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của quý I/2024, kết quả này đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ”, báo cáo của HSBC nêu.
Không chỉ có kết quả tăng trưởng đầy thuyết phục, theo các chuyên gia của HSBC, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng ở các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm. Số liệu chi tiết: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%; Hà Tĩnh giảm 8%; Quảng Ngãi giảm 4,2%.
Bên cạnh đó, những địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện cũng ghi nhận mức tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 1,7%; Quảng Ngãi giảm 16,9%; Thừa Thiên - Huế giảm 16,1%; Lạng Sơn giảm 15,5%; Lâm Đồng giảm 5,6%; Gia Lai giảm 3,6%.
Địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 14,3%; Lâm Đồng giảm 8,6%; Quảng Trị giảm 4,7%; Lạng Sơn giảm 3%; Thừa Thiên - Huế giảm 1,6%.
Nỗ lực tăng tốc những tháng cuối năm
Nền kinh tế đã phục hồi tích cực và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn không phải là không có. Trong báo cáo cập nhật kinh tế châu Á, được công bố vào trung tuần tháng 7/2024, ADB cũng đề cập những thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2024. Theo ADB, khu vực chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại - một trong những động lực phục hồi chủ yếu - dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu.
Cầu yếu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đến hoạt động của doanh nghiệp. Và quả thực, vẫn có những địa phương sản xuất công nghiệp trọng điểm tăng thấp.
Điều đó có nghĩa, sản xuất - kinh doanh vẫn đối mặt khó khăn. Đó có lẽ cũng là lý do, trong 7 tháng, vẫn có tới 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ, dù vẫn có một điểm tích cực là có 139.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,8%.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: TH |
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, mặc dù đạt kết quả tăng trưởng khả quan trong 7 tháng năm 2024, tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Có thể thấy, dù đã được cải thiện song nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
Để tạo lực đẩy phát triển sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, ông Phạm Tuấn Anh nêu 3 giải pháp: Thứ nhất, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.
Thứ ba, Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.