Sản phẩm OCOP - gặp nhiều thách thức đầu ra
Theo ông Trần Văn Môn - Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, sau 3 năm triển khai (2018-2020), Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 1, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản. Tham gia OCOP, đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa, nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đến nay đã có hơn 4.700 sản phẩm OCOP trên cả nước được công nhận, vượt so với mục tiêu đề ra.
The Mekong Connect được xem là bước đột phá trong liên kết chuỗi tại khu vực ĐBSCL và chắp cánh cho sản phẩm OCOP ĐBSCL vươn xa. Ảnh Văn Khương |
Riêng khu vực ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước với gần 400 sản phẩm. Trong đó Đồng Tháp có 121 sản phẩm OCOP, xếp thứ 4 toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP vẫn là thách thức lớn đối với các địa phương.
Nhằm khơi thông đầu ra và đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, song các hoạt động xúc tiến này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân, do doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm OCOP đa phần là các DN nhỏ, không đủ các điều kiện về hồ sơ chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, quy mô sản xuất, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, DN gặp rất nhiều khó khăn về logistics khi đưa hàng hóa đi tiêu tụ tại các địa phương ngoài tỉnh. Chính vì vậy mà các DN vẫn loay hoay và lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Từ thực tế khó khăn nêu trên, tháng 6/2020, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong ra mắt Trung tâm giới thiệu trưng bày đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội và trực tiếp tổ chức thương mại sản phẩm OCOP tại TP. Hà Nội. Sau gần một năm hoạt động, trung tâm này đã đạt được nhiều thành công, đáp ứng được nhu cầu tổ chức sản xuất và logistics tập trung cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp.
Từ những thành công trên, đồng thời xác định, liên kết là một xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, Đồng Tháp đã có sáng kiến xây dựng liên kết cấp vùng để cùng đưa sản phẩm OCOP của các tình thành ĐBSCL đến thị trường tiềm năng như các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn trong nước và quốc tế. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng như sự đồng thuận hưởng ứng của các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Bước đột phá trong liên kết chuỗi
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, TP. Phú Quốc đang phát triển mạnh mẽ về du lịch, đặc biệt là thu hút khách quốc tế, cũng như đẩy mạnh du lịch nội địa. Do đó, sự kiện ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố ĐBSCL (The Mekong Connect) có thể xem là một bước đột phá trong liên kết chuỗi tại khu vực ĐBSCL.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, tỉnh Đồng Tháp đang tạo kết nối cho sản phẩm OCOP và đặc sản vươn xa |
The Mekong Connect được thiết kế 4 tầng với tổng diện tích hơn 1.000 m2, quy tụ hơn 500 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, đặc sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn và có tiềm năng xuất khẩu đến từ Đồng Tháp và các tỉnh thành khu vực ĐBSCL như: Trái cây tươi và sấy khô, bánh, kẹo, mứt, các loại mắm đặc trưng miền Tây, đồ khô, thủy, hải sản đông lạnh… Ngoài ra, The Mekong Connect còn là đầu mối quảng bá, kết nối du lịch của Đồng Tháp và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tại Phú Quốc.
Đánh giá về vệc ra mắt The Mekong Connect tại Phú Quốc, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, đây là hoạt động điển hình, hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại và du lịch. Đây cũng là cơ hội để chắp cánh cho sản phẩm đặc sản của khu vực ĐBSCL vươn xa, đặc biệt là hỗ trợ DN nối lại các chuỗi liên kết đã bị đứt gãy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, đến nay ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL nói riêng có bước chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu. Trong đó, việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản được đánh giá là đặc biệt quan trọng nhằm tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người nông dân. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Đồng Tháp - nếu chỉ dừng lại ở việc hình thành các chuỗi liên kết dọc giữa nông dân sản xuất ra nông sản với các DN thu mua, chế biến và thương mại nông sản thôi là chưa đủ. Do đó cần đến những liên kết ngang, giữa nông dân với nông dân để rải vụ điều tiết lượng nông sản; giữa DN với DN để hình thành nên những tổ chức kinh doanh, thương mại và dịch vụ logistics có quy mô lớn, nhằm giảm chi phí tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Do đó, thông qua trung tâm trưng bày các sản vật đặc trưng của vùng Đất Sen hồng và miền Tây Nam bộ tại TP. Phú Quốc, Đồng Tháp kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm vươn xa, góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh thương hiệu của Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.