Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao, 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như: Tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong, thổ cẩm dân tộc... Tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực rộng rãi trên thị trường cả nước. Chi cục trưởng Chi Cục phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Tuấn cho biết: Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, phấn đấu tổng số sản phẩm chuẩn hóa tới năm 2030 là 210 sản phẩm, phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế, nâng cấp 40-50 tổ chức đã có tham gia Chương trình OCOP. Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP mới, đặc thù gắn với địa phương; triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Nói về công tác chuẩn hóa các sản phẩm bà Nguyễn Thị Minh – Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Sơn cho biết: “Tại Lương Sơn, chúng tôi đã hỗ trợ để đánh giá phân hạng chứng nhận cho các chủ thể, đến thời điểm này các chủ thể được công nhận cơ bản đủ các tiêu chuẩn về chất lượng mẫu mã, bao bì nhãn mác, huyện cũng đang hỗ trợ các chủ thể công tác xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội nghị, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh” |
“Tuy nhiên trong quá trình chuẩn hóa chúng tôi gặp cũng không ít khó khăn, do đa phần các chủ thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước từ hoạt động tư vấn, khảo sát, xây dựng sản phẩm, đánh giá cho đến quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong khi chính quyền địa phương cũng không có kinh phí để hỗ trợ thực hiện”- bà Minh cho hay. Lý giải về điều trên, theo bà Minh là do các chủ thể đa phần là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, việc phát triển, mở rộng vùng sản xuất hạn chế. Chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ hỗ trợ các chủ thể đánh giá chứng nhận lần đầu, đến thời hạn công nhận lại (hết 3 năm) các chủ thể gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện đánh giá. “Hiện huyện Lương Sơn có 12 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, ngoài sản phẩm chuối Viba đã có thị trường ổn định và là sản phẩm được đưa vào phục vụ trên một số chuyến bay của Vietnam Airlines thì các sản phẩm còn lại như: Thịt chua, ổi, bưởi… sản lượng không nhiều, chưa mở rộng thị trường do sản lượng chưa cao, vùng trồng diện tích nhỏ, lẻ”- bà Minh dẫn chứng. Để tháo gỡ một phần khó khăn trên, theo bà Minh cần có doanh nghiệp/hợp tác xã kết nối với các chủ thể và đứng ra làm công tác xúc tiến quảng bá, bán sản phẩm, về lâu dài cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ để các sản phẩm OCOP phát triển và chuẩn hóa theo hướng bền vững. |
Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, hiện tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực thực hiện chủ trương đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu phát triển bền vững, qua đó tăng cường xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình; quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn. Bên cạnh xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Hòa Bình cũng hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước. Đồng thời, cùng các sở, ngành có liên quan thường xuyên tổ chức, kết nối các sản phẩm OCOP tỉnh tham gia Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư, Hội chợ thương mại, hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP trong nước để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... |
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn các sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên có đủ điều kiện xúc tiến thương mại trên hệ thống các sàn thương mại điện tử (chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok), kênh bán lẻ quốc tế tại các thị trường nước ngoài (Châu Âu, Trung Quốc...)… Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho hay: Bên cạnh thị trường truyền thống, sàn giao dịch thương mại điện tử (địa chỉ: www.hoabinhtrade. gov.vn) được Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, qua đó đã góp phần đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nổi bật lên sàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm đạt OCOP nói riêng. Đồng thời duy trì, phát triển, bảo hộ các thương hiệu nông sản đã được chứng nhận và có uy tín, thương hiệu trên thị trường; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản khi tham gia tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. “Đến nay, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 67 cơ sở với 137 sản phẩm lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hoà Bình; phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình với sàn hợp nhất (sanviet.vn), qua đó đưa 79 sản phẩm của 33 cơ sở lên sàn hợp nhất”- bà Hà thông tin. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó đã mở rộng xuất khẩu thành công các mặt hàng nông sản đặc trưng thế mạnh của tỉnh sang các thị trường khó tính như: Mía và bưởi Diễn, bưởi đỏ sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU; cháo sen Bát Bảo Minh Trung sang Nhật Bản, Cộng hòa Séc; nhãn Sơn Thủy sang EU; măng sang Đài Loan (Trung Quốc); cam Cao Phong sang thị trường Vương quốc Anh… qua đó đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. |
Có thể khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương thuộc tỉnh Hòa sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Các tổ chức kinh tế, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm. |
Nội dung: Thu Hường Ảnh: Minh Kỳ - Thanh Hằng Đồ họa: Hồng Thịnh |