Lễ cầu mùa là nghi thức truyền thống không thể thiếu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Nùng. Đây không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để người dân cùng ngồi lại với nhau ăn uống, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, biểu hiện của sự đoàn kết, nhất trí, gắn kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của người dân trong bản làng.
|
Lễ cầu mùa, nghi lễ quan trọng của người Nùng |
Theo phong tục, cứ đến ngày lễ cầu mùa bà con dân bản lại chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng các vị thần linh và thổ công thành hoàng. Đây chính là sản phẩm đặc trưng của đồng bào Nùng, những món ăn đậm đà hương vị quê hương.
|
Mâm lễ vật trong lễ cầu mùa |
|
Chủ lễ thực hiện nghi thức |
Chính giờ lành, chủ lễ đại diện cho cộng đồng dân bản thắp nén hương thơm, dâng rượu và thực hiện các nghi thức khấn lễ, cầu mùa “làm gì cũng được, ước gì cũng nên, mùa màng bội thu, trâu bò đầy chuồng, lộc phúc muôn nơi, người người hạnh phúc”…
Đặc biệt, nghi lễ được thực hiện để thành hoàng tiếp nhận thông qua 3 lần xin âm dương của chủ lễ: Lần 1 mời thành hoàng về hưởng lễ vật do con cháu dâng lên; lần 2 thành hoàng đồng ý phù hộ cho dân làng được 1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi; lần 3 thể hiện sau khi thành hoàng “quang lâm giá đáo, hưởng lộc” và đã về trời.
|
Múa kỳ lân trong lễ cầu mùa |
|
Múa võ cổ truyền |
|
Trò chơi đẩy gậy |
|
Ném còn trong lễ cầu mùa |
Sau các nghi thức cúng lễ thành kính, kỳ lân vào múa hội trong tiếng nhạc rộn ràng cùng những câu lượn, câu si, câu then hòa ngây ngất, mời gọi khắp nẻo đường. Những màn múa vui bằng các trò khỉ (lòng ná lình), vượn người (lò hán), đười ươi (báo đông) cho đến các bài võ cổ truyền dân tộc bắt mắt người xem, tôn lên tinh thần thượng võ.
|
Lễ cầu mùa là hoạt động gắn kết cộng đồng |
Lễ cầu mùa là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng, thể hiện sự gắn kết giữa con người với thế giới siêu nhiên và các vị thần bảo trợ đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc Nùng. Lễ cầu mùa hiện nay còn tồn tại và duy trì theo đúng nghi lễ truyền thống, được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Qua đó, làm tăng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại.