Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày: Cơ hội để hàng triệu người Việt sum họp, đoàn viên
Mới đây, phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 liên tục 9 ngày đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý. Cụ thể, đối với lịch nghỉ của công chức, viên chức vào dịp Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất lịch nghỉ Tết Nguyên đán là 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thống nhất chủ trương nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày. Ảnh: Dân trí |
Trước đó, thông tin về dự thảo lịch nghỉ Tết 9 ngày đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội. Tuy vậy, cũng có một số người đã bày tỏ sự không đồng tình với phương án trên. Có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết kéo dài sẽ đặt nặng lên chi phí hoạt động của doanh nghiệp, và thậm chí là có thể làm nền kinh tế đi xuống. Tương tự, có một số ý kiến lại cho rằng thu nhập trung bình của người Việt đang khá thấp, không đủ để có thể kích cầu du lịch và tiêu dùng trong dịp Tết.
Những lo ngại trên là hợp lý, nhưng có phần thiếu cơ sở. Trên thực tế, việc nghỉ Tết đã được nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ tính đến từ rất sớm, thậm chí là trước khi kế hoạch nghỉ Tết 9 ngày được thông qua. Dựa vào kế hoạch sản xuất, các doanh nghiệp này đã lên kế hoạch tăng ca phù hợp để bù lại chi phí hoạt động trong thời gian nghỉ Tết.
Tiêu biểu là Công ty TNHH Hansoll Vina, đóng tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Vào giữa tháng 9, doanh nghiệp này đã thông báo lịch nghỉ Tết kéo dài 12 ngày đến hơn 3.000 lao động.
Hơn 20 năm qua, từ tháng 8-9 hàng năm Hansoll Vina đã công bố lịch nghỉ Tết sớm để công nhân ở các tỉnh xa chủ động mua vé tàu, xe, lên kế hoạch. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch công đoàn Hansoll Vina, điều này có được nhờ sự chủ động trong việc lên kế hoạch từ phía công ty, cũng như sự quan tâm từ phía Ban giám đốc.
Lo ngại về kích cầu thu nhập hàng hóa và dịch vụ cũng trái với số liệu thực tế. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1 và tháng 2 năm 2024, tổng mức tiêu dùng hàng hóa nước ta đã tăng lần lượt là 8,1% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng lần lượt là 524,1 và 509,7 nghìn tỷ đồng, bất chấp xu hướng chi tiêu tiết kiệm của người dân.
Ngành du lịch Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong dịp Tết Nguyên Đán vửa qua. Tổng thu du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 2, tổng thu du lịch đã đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịp Tết Nguyên đán không chỉ tạo cơ hội kích cầu du lịch tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, nơi cũng tổ chức ngày lễ này. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, Tết Nguyên đán 2024 đã chứng kiến hơn 9 tỷ lượt khách di chuyển trong khắp cả nước. Lý do cho con số “khủng” như vậy là bởi vì với hàng triệu người Trung Quốc, đây là cơ hội duy nhất trong năm họ có thể trở về đoàn tụ với gia đình.
Số lượng người du lịch "khổng lồ" tại một sân ga tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Reuters |
Ước tính trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc, có tới 300 triệu là người dân lao động nhập cư trong các thành phố lớn. Riêng tại Thủ đô Bắc Kinh, con số này là 22 triệu người, chiếm tới một phần ba dân số thành phố. Bên cạnh những người lao động nhập cư, dịp Tết cũng là cơ hội trở về của hàng triệu học sinh, sinh viên và những người Trung Quốc đang sinh sống tại nước ngoài.
Giống như Việt Nam, số ngày nghỉ trong năm của người Trung Quốc là 11 ngày. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc hàng năm thường lên kế hoạch làm bù vào những ngày cuối tuần sau kỳ nghỉ Tết, qua đó tạo điều kiện cho người dân nghỉ Tết dài hơn. Chính quyết định trên đã tạo điều kiện cho hàng triệu người Trung Quốc có thể sắp xếp thời gian, chuẩn bị những khâu mua sắm cần thiết và đặt vé tàu xe để về quay quần bên gia đình.
Tại Việt Nam, người lao động di cư cũng chiếm một số lượng không hề nhỏ, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên của cả nước.
Tuy nhiên, với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ kéo dài 5 ngày như trước đây, cùng thời gian di chuyển có thể mất đến 2-3 ngày, nhiều lao động xa quê đã không thể sum họp cùng gia đình trong dịp Tết. Đặc biệt, kỳ nghỉ ngắn ngày còn góp phần gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, kéo dài thời gian di chuyển của người dân và khiến họ mất đi nhiều khoảnh khắc quý báu bên gia đình.
Giao thông ùn tắc trong dịp Tết đã khiến nhiều người lao động bỏ lỡ phút giây quý giá bên gia đình. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ |
Tết Nguyên Đán là dịp đặc biệt để nhiều người Việt Nam có cơ hội duy nhất trong năm dành thời gian cho gia đình và thư giãn sau một năm lao động vất vả. Do đó, việc kéo dài thời gian nghỉ Tết không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn đem lại niềm vui và sự phấn khởi cho hàng triệu người lao động trên cả nước.