Kinh doanh tuần hoàn - hướng đi thời đại cho một tương lai bền vững hơn
Loại bỏ chất thải thông qua việc tái sử dụng, tái chế sản phẩm
Khí hậu thế giới đang đối mặt với những vấn đề nan giải. Tài nguyên thiên nhiên của Trái đất đang dần cạn kiệt với tốc độ đáng lo ngại - nhanh gấp 1,8 lần so với tốc độ tái tạo của hành tinh. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng đáng kể, đạt gấp 2,3 lần tốc độ tái tạo. Đi kèm với con số này là 50 triệu tấn chất thải điện tử hàng năm, tương đương với trọng lượng của tất cả các máy bay thương mại từng được sản xuất.
Trước tình hình này, mô hình kinh doanh tuần hoàn xuất hiện và được các công ty đa quốc gia chú trọng. Đây là mô hình kinh doanh áp dụng những nguyên tắc hướng đến việc giảm cầu về nguyên liệu, tăng tuổi thọ và kéo dài vòng đời sản phẩm, từ đó đó giúp giảm và tiến tới loại bỏ chất thải thông qua việc tái sử dụng, tái chế sản phẩm và thúc đẩy sản xuất bền vững. Đây chính là mô hình của tương lai, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và mang lại lợi ích nhất định.
Ngày nay, người dùng ngày càng có ý thức về việc bảo vệ môi trường. Theo báo cáo eConomy 2022 của Google, Bain & Company, và Temasek cho thấy, 55% người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững. Do đó, việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn và tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái chế sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đồng thời đạt được lợi ích lâu dài về môi trường và kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Điều hành HP Việt Nam và Thị trường mới nổi Châu Á, mặc dù yêu cầu vốn đầu tư ban đầu khá cao, các chương trình tuần hoàn có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí về sau, tăng hiệu quả và thậm chí tìm ra nguồn thu mới - thông qua việc cung cấp các công cụ đo lường, dự báo ngăn ngừa lãng phí và tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, việc áp dụng kinh doanh tuần hoàn có thể mang lại ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
Tại ngày hội HP Việt Nam 2023, hãng máy tính này đã giới thiệu nhiều sản phẩm có các chi tiết được làm từ nhựa tái chế, rác thải đại dương nhằm hướng tới tiết kiệm khí thải carbon, CO2 cũng như tiết kiệm năng lượng |
Ông Đức chia sẻ, dự án ProjectSTOP của HP hợp tác trực tiếp với chính quyền địa phương để tạo ra hệ thống quản lý chất thải tuần hoàn hiệu quả. Dự án được thực hiện tại Việt Nam và Indonesia, hai quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm biển cao trên thế giới với lượng chất thải nhựa khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm. Hãng máy tính này đã làm việc với các đối tác, nhà cung cấp, nhà sản xuất, Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để tạo ra hệ thống quản lý chất thải nhựa và tái chế nhựa đại dương.
Đại diện HP Việt Nam cũng cho biết, tiêu thụ năng lượng là yếu tố quan trọng đối với các thiết bị điện tử, nhưng điều này đôi khi cũng khiến người dùng phân vân không biết nên chọn sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu sử dụng. Chính vì vậy, sự xuất hiện của các tổ chức như ENERGY STAR, TCO và Blue Angel (tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các thiết bị điện tử và đồ điện gia dụng) nhằm giúp người dùng có cơ sở nhất định để đưa ra lựa chọn đúng đắn khi mua sản phẩm. Hơn nữa, các nhà sản xuất cũng cung cấp bao bì sản phẩm và tài liệu tiếp thị với chỉ số năng lượng rõ ràng và chính xác, nhằm giúp người dùng dễ dàng so sánh.
Bên cạnh đó, bằng cách cung cấp hệ thống bảo hành mở rộng và đảm bảo khả năng sửa chữa, các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu sửa chữa sản phẩm của người dùng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệm giảm thiểu nhu cầu về nguồn nguyên liệu thô mới, giảm chất thải. Lấy ví dụ, các sản phẩm của HP thường được đánh giá cao về khả năng sửa chữa, thông qua việc hợp tác với tổ chức như iFixit, giúp cung cấp điểm số về khả năng sửa chữa để người dùng đánh giá trước khi mua và phần hướng dẫn tự sửa chữa cho người dùng khi cần.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp nên có trách nhiệm thu hồi và tái sử dụng sản phẩm khi khách hàng không còn cần chúng nữa. Như vậy, các mô hình dịch vụ có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đồng thời thúc đẩy tính tuần hoàn" - ông Đức nói.
"Chìa khóa" cho tương lai
Tính tuần hoàn kinh doanh còn là nỗ lực của cả đội ngũ và các đối tác chính phủ, nhà cung cấp và các bên liên quan khác. Do đó, việc tham gia vào mô hình kinh doanh tuần hoàn còn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kết nối với các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và tư vấn, các đối tác lớn để có thể giữ vững vị thế về đi đầu phát triển. Bên cạnh đó, việc hợp tác này mang lại lợi ích cho tất cả các loại hình công ty, bất kể doanh nghiệp ở đâu trên tiến trình kinh doanh tuần hoàn. Và sự tham gia vào các tổ chức ngành và hợp tác với các đối tác sản xuất cũng góp phần xây dựng sự nhất trí giữa doanh nghiệp và các tổ chức, thúc đẩy sự phát triển của các nghị định và hợp tác.
Khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn mang lại cho doanh nghiệp tầm nhìn về một tương lai bền vững và tái sinh hơn. Nếu được triển khai đúng cách, với nguồn cung ứng và bao bì thân thiện với môi trường, các vật liệu và sản phẩm sẽ được sản xuất và sử dụng lâu hơn và được tái chế tuần hoàn sau sử dụng. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP toàn cầu lên 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Như vậy, việc chuyển đổi sang kinh doanh tuần hoàn không phải là một sự lựa chọn, mà là một điều cần thiết. Để thực hiện điều đó, doanh nghiệp cần khẩn trương thay đổi tư duy, nắm bắt các thực tiễn mô hình tuần hoàn và phát triển các mối quan hệ đối tác. Các công ty tiên phong dẫn đầu sẽ gặt hái được những phần thưởng lớn nhất.
Mô hình kinh doanh tuần hoàn chính là chìa khóa cho tương lai. Và tương lai này hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có sẵn sàng để thực hiện hay không. Cho dù doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu hay đã đi trên con đường này - đã đến lúc hãy thực hiện bước tiếp theo.