Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán nhà nước cần khẳng định vai trò “gác cửa” về giám sát tài chính quốc gia Kiểm toán Nhà nước chỉ ra vướng mắc và gợi mở giải pháp phối hợp kiểm toán tại 5 địa phương |
Nhiều bất cập
Năm 2023, Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững.
Kết quả kiểm toán cho thấy còn những tồn tại, hạn chế, nổi bật như việc phân bổ vốn chưa đúng quy định; phân bổ sai đối tượng; thiếu hướng dẫn, chưa thống nhất tiêu chí đánh giá…
Kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa |
Liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho các chương trình mục tiêu: Trong Thông tư số 53/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, chi các nội dung đặc thù.... đối với đối tượng sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương.
Như vậy chưa đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh, nhất là các tỉnh không được phân bổ ngân sách trung ương thực hiện.
Hay tại nhiều địa phương có tình trạng phân bổ nguồn vốn chưa phù hợp trình tự, thủ tục, chưa chi tiết danh mục dự án, trình phân bổ kế hoạch vốn còn chậm; một số địa phương chưa bố trí hoặc bố trí thiếu vốn đối ứng thực hiện chương trình; phân bổ, giao dự toán chậm, chưa phân bổ, giao hết số vốn trung ương hoặc UBND tỉnh giao theo quy định.
Đáng chú ý, còn tình trạng phân bổ nguồn vốn chưa đúng quy định, phân bổ sai đối tượng. Điển hình như tại tỉnh Hải Dương là 54,4 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Long 7,3 tỷ đồng; tỉnh Bình Phước 12,9 tỷ đồng; tỉnh Tây Ninh 23,8 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ 3,9 tỷ đồng (thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025).
Tỉnh Điện Biên phân bổ sai 16,18 tỷ đồng; tỉnh Lạng Sơn: Huyện Lộc Bình 9,47 tỷ đồng, huyện Hữu Lũng 1,5 tỷ đồng, huyện Văn Lãng 3,81 tỷ đồng; Tỉnh Gia Lai 1,85 tỷ đồng (thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025).
Tỉnh Bến Tre (các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại) phân bổ sai 4,57 tỷ đồng, tỉnh Lai Châu (huyện Nậm Nhùn) 1,92 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên 7,44 tỷ đồng; tỉnh Sơn La (huyện Sốp Cộp) 0,7 tỷ đồng (thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025)…
Còn lúng túng trong chỉ đạo, triển khai
Tại thời điểm kiểm toán (năm 2023), công tác ban hành văn bản của Chính phủ và một số bộ còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định. Ví dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm trình Chính phủ ban hành Văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn NSTW năm 2022; chưa hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
Hay Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ quản chương trình theo quy định; chậm sửa đổi Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chậm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 6/9/2022…
Đáng chú ý, nhiều địa phương, cơ quan chưa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện năm 2021 và năm 2022; chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình theo quy định, như: Tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai , TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một số địa phương chưa thành lập kịp thời Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối; chưa ban hành văn bản thực hiện cơ chế đặc thù đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, quy định về nguyên tắc, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương, quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách, cũng như hướng dẫn thực hiện, dẫn đến nhiều địa phương, cơ quan lúng túng triển khai chương trình.
Theo Kiểm toán nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia được giao thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, do đó kết quả kiểm toán năm 2023 chưa có đầy đủ thông tin đánh giá tổng hợp, tuy nhiên qua đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm hầu hết còn chưa đạt, việc giải ngân còn thấp so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công tác lập kế hoạch hàng năm còn chậm, việc bố trí vốn thực hiện chương trình chưa kịp thời, ngoài ra còn một số bất cập về chính sách cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình.
Trên cơ sở các tồn tại, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình để kịp thời xem xét sửa đổi, điều chỉnh những vướng mắc; cơ quan, địa phương chấn chỉnh đối với công tác quản lý, sử dụng vốn cho chương trình, từ đó phát huy hiệu quả của chính sách. |