Thứ sáu 15/11/2024 18:16

Khơi thông dòng chảy nông sản: Kỳ II- “Đánh thức” đường sắt, hàng không

Cùng một thời gian, giá cước một container lạnh 40 feet từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ khoảng 80 triệu đồng, nhưng nếu vận chuyển đường sắt từ ga Trảng Bom (Đồng Nai) đi Yên Viên (Hà Nội) giá cước chỉ khoảng 27 triệu đồng… Đây là minh chứng cho thấy, còn có những tiềm năng vận tải hàng hóa ngoài đường bộ, đường biển mà chúng ta chưa tận dụng hết.

Rục rịch chuyển hướng sau Covid-19

Ông Vũ Tiến Dũng - Trưởng phòng Hàng hóa của Bamboo Airways - thông tin, theo quy hoạch năm 2020, Bamboo Airways sẽ đẩy mạnh đường bay quốc tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hãng đã phải chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, các đường bay quốc tế dự kiến sẽ được mở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy chiều đi các tuyến bay quốc tế, đặc biệt là các chuyến bay giải cứu công dân từ nước ngoài phần lớn sẽ là bay rỗng, do vậy, nếu các đối tác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa sang các nước, hãng sẵn sàng hợp tác.

Còn với ngành đường sắt, ông Nguyễn Chính Nam - Trưởng Ban Kế hoạch - Kinh doanh (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) - cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nông sản trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, Tổng công ty sẽ giảm 10-15% cước vận tải cho hàng hóa nông sản từ khu vực phía Nam vận chuyển ra tiêu thụ tại miền Bắc bằng toa xe G; giảm 25% giá cước phổ thông nguyên toa nếu vận chuyển bằng container nguyên đoàn từ 17-20 xe. Ngoài ra, Tổng công ty còn một số chính sách ưu đãi với những đối tác có khối lượng vận chuyển hàng tháng lớn và thường xuyên.

Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) cũng có chương trình giảm giá 15% phí vận chuyển container cho tất cả các hàng nông sản vận chuyển tuyến Bắc - Nam (thời hạn áp dụng từ 9/9 - 31/12/2020). Đáng chú ý, công ty hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng các loại container khô, lạnh giữa Việt Nam - Trung Quốc; vận chuyển liên vận quốc tế từ Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc sang các nước Á, Âu; vận chuyển từ kho đến kho... với giá cước vận chuyển hợp lý, thời gian vận chuyển chỉ bằng 2/3 so với đường biển. Cùng với đó, hệ thống kho, bãi hàng hóa tại các ga xếp dỡ lớn, đủ tiêu chuẩn thu gom, bảo quản hàng hóa, đóng gói, phân phối hàng hóa...

Các hãng hàng không ngày càng quan tâm tới hoạt động vận tải hàng hóa.

Giàu tiềm năng tăng trưởng

Sau những tác động của dịch Covid-19, ngành đường sắt và các hãng hàng không Việt Nam đang dành sự quan tâm lớn tới vận tải hàng hóa. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương - cho biết, để hạn chế tác động của dịch bệnh, bù đắp sự sụt giảm doanh thu vận tải hành khách, ngành hàng không đã tăng cường chuyển đổi máy bay chở khách thành máy bay chở hàng, tăng năng lực chuyên chở hàng hóa, góp phần đưa cước phí vận tải về mức hợp lý.

Ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe, triển khai khai thác vận chuyển container lạnh tự hành, cung cấp dịch vụ vận tải khép kín... và gần đây, các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế sang Trung Quốc đã được đưa vào khai thác với nhiều ưu thế như: Thời gian vận chuyển được rút ngắn, thủ tục thông quan chính ngạch tại cửa khẩu ga Đồng Đăng - Bằng Tường nhanh chóng và thuận lợi, hàng hóa có thể đi sâu vào nội địa Trung Quốc mà không cần chuyển tải.

Ông Nguyễn Chính Nam khẳng định, vận chuyển quốc tế bằng đường sắt là xu thế vì đây là hình thức vận chuyển tiên tiến với nhiều ưu điểm. Trong đó, đường sắt có thể vận tải khối lượng lớn, lên tới 60.000 tấn hàng/ngày đêm. Đặc biệt, trong khi vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang châu Âu mất khoảng 40 - 45 ngày thì tàu liên vận đường sắt chỉ mất khoảng 19 - 20 ngày, giá cả lại cạnh tranh, độ an toàn cao, lịch trình cố định, thủ tục thông quan chính ngạch tại cửa khẩu ga nhanh chóng và thuận lợi.

Với các lợi thế này, có nhiều tiềm năng khai thác để tăng sản lượng vận chuyển bằng đường sắt.“Tuy sản lượng XNK hàng nông sản rất lớn, nhưng thị phần vận chuyển bằng đường sắt còn khiêm tốn. Theo thống kê, sản lượng vận chuyển hoa quả XNK bằng đường sắt mới đạt 1,8% so với tổng sản lượng XNK” - ông Nguyễn Chính Nam chia sẻ.

Ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air - cho hay, vận chuyển hàng không tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp cận với thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Tuy vận tải hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa của Việt Nam, nhưng giá trị chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Thị trường này được dự báo sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD vào GDP của cả nước. Bên cạnh đó, thống kê lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không ở Việt Nam và đội tàu bay cho thấy, năm 2020 dự kiến đạt 1,2 triệu tấn, đến 2025 đạt 2,5 triệu tấn.

Thị trường vận tải đường sắt, hàng không có nhiều tiềm năng phát triển bền vững và lâu dài, phục vụ cho sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường hàng không

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu

Việt Nam chi 2,89 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?

Cơ hội nào cho thủy sản xuất khẩu sang Mỹ sau bầu cử Tổng thống mới?

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2025

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng kỷ lục, 10 tháng Việt Nam thu về 4,6 tỷ USD

'Rộng cửa' xuất khẩu giày dép sang thị trường Chile

Nhập khẩu thịt heo có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 đến nay

Thương mại Việt Nam và Peru, Chile ‘khởi sắc’ nhờ Hiệp định CPTPP

Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng niên vụ năm 2024

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quá cảnh hàng hoá của Campuchia qua Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Dự báo, xuất khẩu cao su năm 2024 đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD