Khô hạn đẩy giá cà phê trong nước vượt mốc 105.000 đồng/kg
Kết phiên giao dịch ngày 10/4, giá cà phê thế giới đồng loạt tăng, với giá Robusta hồi phục mạnh 1,13% sau chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp trước đó. Trong khi đó, giá Arabica tăng 0,5%, tiếp tục duy trì ở vùng giá cao nhất 1 năm rưỡi.
Cả hai loại cà phê chủ chốt tiếp tục ghi nhận lực mua tích cực do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bất chấp hoạt động xuất khẩu trong tháng 3/2024 của Brazil và Việt Nam, hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, ở mức cao.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 tăng 49 USD/tấn, lên mức 3.777 USD/tấn; giao tháng 7/2024 tăng 42 USD/tấn, lên mức 3.715 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 1,10 cent/lb, ở mức 214,65 cent/lb; giao tháng 7/2024 tăng 0,80 cent/lb, ở mức 212,65 cent/lb.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MVX), khô hạn kéo dài đang khiến tình trạng quả non chết khô trở nên nghiêm trọng hơn tại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam. Điều này cũng đưa đến lo ngại sản lượng cà phê vụ mới sẽ tiếp tục sụt giảm từ mức thấp trong niên vụ hiện tại.
Mặc dù vậy, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3, nước ta xuất đi tel:188.9972 tấn cà phê, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong tháng 3, Brazil xuất đi 846.700 bao cà phê Robusta, gấp 8 lần cùng kỳ năm 2023. Brazil được cho là đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu Robusta để bù đắp những thiếu hụt từ các quốc gia châu Á.
Trong khi đó, đồng USD mạnh lên sau số liệu CPI Mỹ được công bố là một trong những yếu tố quan trọng đã hạn chế sự phục hồi của giá cà phê Arabica. Chỉ số Dollar Index tăng đã kéo theo tỷ giá USD/BRL cao hơn 1,31% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá lớn hơn tạo tâm lý kỳ vọng nông dân Brazil sẽ bán nhiều cà phê hơn nữa. Điều này đã kích thích lực bán chiếm ưu thế trong nửa đầu phiên tối.
Tháng 3/2024, Việt Nam xuất đi tel:188.9972 tấn cà phê, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023 |
Brazil tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vụ 2023/2024, giúp củng cố nguồn cung trên thị trường. Trong tháng 3, Brazil xuất đi 4,29 triệu bao cà phê, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê từ USDA, trong niên vụ 2023/2024, sản lượng Robusta tại Brazil đạt 21,4 triệu bao, tăng 26% so với niên vụ 2014-2015. Đồng thời, tỷ trọng cà phê Robusta của Brazil so với toàn cầu từ mức 24% trong 10 niên vụ trước đã tăng lên 29% trong niên vụ hiện tại. Các số liệu cho thấy khoảng cách về sản lượng Robusta của Brazil đối với Việt Nam đang dần một thu hẹp.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hàng năm chúng ta sản xuất khoảng 27 - 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, vị thế bá chủ đang dần mờ nhạt trên bản đồ cà phê thế giới. Kể từ sau niên vụ 2021-2022, thị phần cà phê của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại.
Biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ toàn cầu nóng lên, khiến một số vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam không còn phù hợp và sản lượng có xu hướng đi xuống. Hiệp hội Cà phê Ca cao (VICOFA) dự báo sản lượng cà phê vụ 2023-2024 tại Việt Nam giảm thêm 10% so với vụ trước, về khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg).
Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.
Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo theo giá cà phê trong nước cũng đạt mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm. Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (10/4), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ đồng loạt tăng mạnh 800 – 900 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, dao động trong khoảng 105.000 – 105.900 đồng/kg.