Thu mua, tiêu thụ sản phẩm còn phân tán
Chỉ tính riêng miền Bắc, những cái tên như nếp Tú Lệ, cam sành Hàm Yên, thịt trâu gác bếp Sơn La, lạp sườn Cao Bằng rồi măng, mộc nhĩ Tuyên Quang, chè Tân Cương - Thái Nguyên vốn nức tiếng từ lâu và được người dân miền xuôi, nhất là thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tìm mua vào dịp Tết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thị trường, chúng tôi nhận thấy có rất ít các điểm bán đặc sản miền núi mà phần lớn chỉ là rao bán trên mạng với những lời quảng cáo có cánh nhưng chất lượng và giá cả thì không có sự kiểm chứng. Tại một số siêu thị cũng bày bán đặc sản miền núi nhưng chủ yếu cũng chỉ là một số loại gạo nếp, gạo tẻ hoặc chè, còn các mặt hàng khác như lạp sườn, măng khô, mộc nhĩ cũng không có bán.
Thực tế, các mặt hàng đặc sản ở vùng cao thường được người dân tại đây nuôi trồng, chế biến để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đáp ứng tiêu dùng hàng ngày. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt còn nhỏ lẻ, tự phát chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Vì thế, khi thị trường có nhu cầu nhiều hơn thì việc cung cấp nguồn hàng ổn định và lâu dài là điều không dễ dàng. Đối với một số loại đặc sản đã trở thành hàng hóa, được sản xuất với quy mô lớn như cam Hàm Yên, chè Tân Cương, gạo nếp nương… thì việc cung - cầu lại vướng ở khâu phân phối và các chi phí phát sinh khác trong giao thương. Đơn cử như cam sành Hàm Yên – loại trái cây đã được bình chọn vào nhóm 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam nhưng việc tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, nhất là vào dịp Tết Ất Mùi này cũng không mấy dễ dàng. Với hơn 4.000 héc-ta cam sành, cho năng suất bình quân 127 tạ/héc-ta, doanh thu trên 310 tỷ đồng/vụ cam nhưng khi vào chính vụ, cam Hàm Yên phải chịu giá rẻ và người tiêu dùng thủ đô yêu thích sản phẩm này nhiều khi cũng không mua được. Chị Loan - chuyên kinh doanh hoa quả ở chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết: Cam mua tại vườn vào khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg lúc chính vụ và 15.000 đồng/kg lúc cuối vụ. Qua một số khâu phân phối cộng với chi phí vận chuyển thì bán buôn tại chợ từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng đây là cam Trung Quốc nên việc tiêu thụ có lúc không thuận lợi. Ngoài ra, một số chi phí phát sinh khác, nhất là chi phí cho vận chuyển hàng đã khiến loại đặc sản này khó tiêu thụ nhiều vào dịp Tết.
Cần giảm khoảng cách giữa các vùng, miền
Theo Bộ Công Thương, đến nay nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vẫn chưa có cơ chế hình thành được một tổ chức chỉ đạo, điều hành các hoạt động sản xuất, mua bán để thúc đẩy sản xuất, phát huy các tiềm năng sẵn có, giảm bớt khó khăn. Nhất là việc đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng đặc sản của các vùng, miền. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay cần giải quyết là giảm khoảng cách lớn về phát triển thương mại của khu vực này. Trong đó phải tăng cường liên kết với các thị trường khác, phát triển đội ngũ thương nhân, đầu tư phát triển cho hàng hóa và dịch vụ thương mại.
Được biết, Bộ Công Thương đang xác định một số nhóm nội dung, hoạt động chủ yếu để hỗ trợ cho việc đẩy mạnh tiêu thụ và phát triển sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng đặc sản, tại các vùng núi, hải đảo, vùng xa. Cụ thể như hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa đặc trưng, sản vật của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Hỗ trợ thúc đẩy phân phối tiêu thụ hàng hóa được sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên thị trường trong nước; Hỗ trợ một số mặt hàng đặc trưng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế; Mở rộng phân phối hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Khuyến khích phát triển thương nhân hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...