Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong môi trường giáo dục gia đình |
Phát huy vai trò của người phụ nữ
Xác định vai trò quan trọng của phụ nữ trong môi trường giáo dục gia đình, những năm qua, nhiều chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các tổ chức, ban, ngành đã tích cực kêu gọi sự tham gia của phụ nữ trong địa bàn. Một mặt, nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức của các tầng lớp phụ nữ; mặt khác đề cao trách nhiệm của chị em, gia đình, cộng đồng trong quản lý, giáo dục con em mình. Cụ thể như, Đề án “Truyền thông, giáo dục cộng đồng phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em”, “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015)”, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”.
Đặc biệt, với quan điểm lấy gia đình là đối tượng đích, từ năm 2010, nội dung phòng chống ma túy được cụ thể hóa và thống nhất đưa vào chỉ đạo sâu rộng cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” trên địa bàn cả nước. Qua đó, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về giáo dục, quản lý con em cho cán bộ, hội viên phụ nữ.
Với những cố gắng này, các mô hình Tổ phụ nữ Phòng chống ma túy từ gia đình, Tổ phụ nữ không có người thân liên quan đến ma túy, vi phạm pháp luật; Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân đi cai nghiện và không tái nghiện; Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tệ nạn xã hội, CLB Sống khỏe, CLB Phụ nữ với pháp luật... đã từng bước hình thành, phát huy được hiệu quả rõ nét, được cấp ủy và chính quyền các địa phương đánh giá cao. Nhiều mô hình phòng chống tội phạm đã được nhân rộng, nhất là ở những địa bàn có tình hình tội phạm phức tạp.
Nhen lên những ước mơ tươi sáng
Phát huy những lợi thế của phụ nữ là sự dịu dàng, ân cần, thấu hiểu và kiên nhẫn, các cán bộ thuộc Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực tế và lựa chọn những địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm như: Trẻ em nghiện ma túy trong trại giáo dưỡng, phụ nữ nghiện ma túy, buôn bán ma túy trong các trại cải tạo, những phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng thành công… Xác định đây chính là những mảng tối, mảng khuyết cần được khơi gợi, Hội phụ nữ tổ chức truyền thông cho chính những đối tượng trọng điểm này, nhen lên những ước muốn tươi sáng trong tâm trí họ, đồng thời cảnh báo cho những con người có những suy nghĩ chưa đúng, mất niềm tin vào cuộc sống…
Thực tế, nhiều chương trình, sự kiện do chị em tổ chức đã tác động không nhỏ đến toàn xã hội, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ phạm tội. Điển hình với diễn đàn: “Mẹ, gia đình và con đường tương lai của con” tại Thanh Hóa, Đà Nẵng, thu hút hơn 700 học sinh, phụ huynh, các đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ mắc vào nạn ma túy. Chương trình giao lưu: “Ước mơ ngày trở về” tại trại giam số 6 Thanh Chương (Nghệ An) cùng lắng nghe phạm nhân mãn hạn tù nói về hành trình hoàn lương. Giao lưu “Vượt qua nỗi đau của cái chết trắng” giúp hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy, đồng thời giúp cộng đồng cảm thông, hiểu hơn về người sử dụng ma túy, bớt kỳ thị xã hội… Song song với công tác tuyên truyền, việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người mãn hạn tù và trại viên hoàn thành cải tạo cũng góp phần không nhỏ giúp những người lầm lạc làm lại cuộc đời.
Thời gian tới, dự báo tình hình ma túy và tệ nạn xã hội sẽ vẫn nhức nhối và diễn biến phức tạp. Để tiếp tục hoạt động hiệu quả trong những năm tiếp theo, Hội LHPN Việt Nam xác định sẽ tập trung đẩy mạnh và hướng các hoạt động phòng chống ma túy về cơ sở, lấy gia đình làm đối tượng hướng đến để tác động, tăng cường hướng dẫn cách quản lý, giáo dục, phát hiện sớm và phòng ngừa các biểu hiện nghiện ma túy. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; phấn đấu đạt chỉ tiêu “Mỗi năm, mỗi xã, phường, thị trấn giúp ít nhất 1 hộ gia đình có sự chuyển biến về tiêu chí không có người phạm tội, vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội hoặc không có trẻ em hư và bỏ học”.