Khai báo hóa chất chỉ mất 15 giây, xóa bỏ khoảng 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm
Thời gian qua, với việc loại bỏ và đơn giản hóa nhiều điều kiện, thủ tục hành chính (TTHC), công tác cải cách hành chính của Cục Hóa chất được kỳ vọng tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) |
Triển khai nhanh và hiệu quả
Theo số liệu thống kê của Cục Hóa chất, hàng năm có khoảng 70.000 bộ hồ sơ khai báo hóa chấtdo gần 4.000 doanh nghiệp thực hiện tại Bộ Công Thương. Việc khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định cũ được thực hiện trên hai hình thức hồ sơ giấy và hồ sơ trực tuyến nhưng kết quả vẫn được trả bằng bản giấy, dẫn đến việc không đồng bộ hóa thủ tục và gây khó khăn cho các đơn vị ở xa thường phải đi lại và không tự chủ trong quá trình làm thủ tục, đôi khi gặp trở ngại trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thươngđã lần lượt rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và từ năm 2018 cho đến nay, doanh nghiệp nhận được kết quả điện tử ngay sau khi nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cụ thể, từ giữa tháng 1/2018, toàn bộ các đơn vị khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tin khai báo sẽ tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương và được phản hồi tự động qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan. “Thời gian trả kết quả TTHC giảm từ 7-10 ngày (tùy từng TTHC) xuống chỉ còn 3-5 ngày, riêng khai báo hóa chất thì chỉ sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành điền các thông tin yêu cầu trên internet của một Cửa quốc gia sau khoảng 15 giây là đã nhận được kết quả phản hồi tự động của hệ thống, xóa bỏ khoảng 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm”- lãnh đạo Cục Hóa chất khẳng định.
Cục Hóa chất thông tin thêm, với việc khai báo tự động này, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục khai báo 24/24h và ở bất cứ địa điểm nào.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không phải trực tiếp nộp bản cứng tại Bộ Công Thương và Hải quan, tiết kiệm thời gian đi lại nộp hồ sơ, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Công Thương không phải nhập số liệu thủ công, giảm chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ.
Về phía Chi cục Hải quan các cửa khẩu cũng có thể tra cứu thông tin khai báo hóa chất của doanh nghiệp qua mạng Internet.
Bên cạnh những điểm thuận lợi, khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng đòi hỏi tính tự giác chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp cao để đảm bảo trường dữ liệu đầu vào phục vụ quản lý, các giới hạn về hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu cũng cần được nâng cấp theo thời gian do khối lượng hồ sơ và thông tin khai báo hàng năm lớn.
Chia sẻ về điểm mới của TTHC, đại diên lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO) - cho biết, MICCO đặc biệt chú trọng tới công tác xuất khẩu, Cục Hóa chất đã tổ chức cho doanh nghiệp được khai báo điện tử vừa nhanh gọn, đáp ứng tiến độ khách hàng. Đây là một trong những cơ hội tạo uy tín của công ty trên thị trường quốc tế.
Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, trong năm 2021 Cục đã chính thức triển khai thêm trên phạm vi toàn quốc thông qua Hệ thống một cửa quốc gia đối với 02 TTHC: Thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1; Thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, Bảng 3. “Tính đến thời điểm hiện tại, có 6 TTHC thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (khai báo hóa chất nhập khẩu; xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp: xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp: xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 1: xuất nhập khẩu khẩu hóa chất Bảng 2, 3)”- Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong tổng số 29 TTHC do Cục thực hiện, có 28 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 chiếm 96%, trong đó 6 thủ tục được triển khai qua Cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 31%, các thủ tục còn lại chủ yếu không phát sinh hồ sơ. Cục Hoá chất cũng đã thực hiện rà soát đề nghị bãi bỏ 4 nhóm TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa 46/130 (35%) điều kiện đầu tư kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, Cục đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, tiếp tục triển khai một số phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý, từ đó đảm bảo nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm thời gian, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năm 2021, Cục đã giải quyết 83.787 TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, số lượng các TTHC liên quan đến khai báo hóa chất với số lượng hồ sơ nhiều nhất, tiếp theo cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp. “Việc thực hiện các TTHC được tiến hành theo quy định hiện hành, đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi phục vụ cho phát triển sản xuất”- lãnh đạo Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Bộ Công Thương là đơn vị tiêu biểu về triển khai dịch vụ công trực tuyến
Với kết quả về triển khai dịch vụ khai báo hóa chất qua hình thức trực tuyến mức 4 của Bộ Công Thương mới đây đã được được Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giới thiệu với các bộ, ngành, địa phương để minh chứng về hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Theo đánh giá của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành tiêu biểu về triển khai DVCTT trên phạm vi cả nước, không chỉ bảo đảm cung cấp tối đa DVCTT mức 4 mà còn triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Số liệu thống kê của Bộ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/4/2022 cho thấy, Bộ Công Thương nằm trong Top 3 bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất, cùng với 2 bộ khác là Nội vụ và Y tế.
Về cách thức triển khai, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt Danh mục DVCTT của Bộ. Từ tháng 8/2021 cho đến nay, Cổng dịch vụ công của bộ này tại địa chỉ dichvucong.moit.gov.vn đã cung cấp 228 DVCTT mức 4, hoàn thành sớm mục tiêu cung cấp 100% DVCTT mức 4 trong năm 2021, tăng số lượng dịch vụ gấp gần 4 lần so với năm 2020.
Bộ Công Thương cũng đã tích hợp 131 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2021, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi 1.164.552 bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, đã có hơn 40.000 doanh nghiệp tham gia khai báo trên Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương. Tổng số hồ sơ điện tử năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã triển khai đánh giá chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương. Kết quả, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn; 100% người dân, doanh nghiệp đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của Bộ Công Thương là rất tốt.
Trước đó ngày 29/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của Bộ giai đoạn 2022 – 2025, trong đó xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện.
Trong năm 2022 Cục Hóa chất tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các TTHC. Đồng thời Cục cũng rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực hóa chất thuộc ngành Công Thương để xây dựng, đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, phù hợp công nghệ sản xuất, tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất. |