Hộp thư ngày 9/5: Kiến nghị về quy hoạch của Công ty Lạc Hồng, khu công nghiệp bỏ hoang tại Sóc Trăng
Báo Công Thương nhận được một số thông tin phản ánh, cụ thể như sau:
Báo Công Thương nhận được phản ánh của các hộ dân liên quan đến Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên được triển khai trên khu đất quy hoạch rộng 63 ha tại phường Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư với tổng số vốn được giới thiệu lên tới gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh, đã gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch đến lần thứ 4 nhưng người dân không hề được biết.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên phục vụ nhu cầu nhà ở cho khoảng 4.800 người. Dự án gồm biệt thự cao cấp, nhà vườn, văn phòng cho thuê và khu nhà ở cao tầng được bố trí hợp lý, với tỷ lệ cây xanh lớn. Không gian sống lý tưởng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sang trọng, hiện đại, tiện nghi cho cư dân đô thị TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Thế nhưng, người dân nơi đây lại cho rằng, thực tế chủ đầu tư đang làm ngược lại, khi liên tục điều chỉnh quy hoạch, đến nay đã là lần thứ 4.
Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên |
Phản ánh của người dân sinh sống tại đây cho biết, họ đang khiếu nại khoản 4.3, Điều 1 của Quyết định 2256/QĐ-UBND ngày 17/8/2021, về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên, TP. Vĩnh Yên giai đoạn 1 (lần 4) và một số nội dung liên quan đến quy hoạch tại dự án trên nhưng không được thụ lý, giải quyết. Theo đó, người dân cho rằng, Quyết định số 4743/QĐ-UBND ngày 17/12/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, KĐTM Chùa Hà Tiên, thị xã Vĩnh Yên (nay là thành phố Vĩnh Yên) thể hiện : “Khu biệt thự cao cấp có vị trí nằm cận kề nút giao thông ngã 5, có cổng vào riêng biệt, khép kín, có khu CLB thể dục thể thao, sân tennis, bể bơi riêng tổng diện tích là 2,73 ha được bố trí làm 65 căn, diện tích mỗi căn từ 300 - 319m2; hình thức kiến trúc nhà đơn lập, cao từ 2 - 3 tầng; mật độ xây dựng từ 25 - 30%”.
Nhưng nay theo khoản 4.3, Điều 1 của Quyết định số 2256 thì diện tích cây xanh giảm 2.736m2. Như vậy, mật độ xây dựng không còn là 25 - 30% như Quyết định 4743 ngày 17/12/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý, theo nội dung phản ánh, khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500, KĐTM này có khu thể thao, sân tenins, bể bơi, khu vui chơi trẻ em. Thế nhưng hiện tại khu đó biến thành kho chứa vật liệu và tòa nhà văn phòng; khu đất công viên cây xanh thì biến thành hai tòa nhà văn phòng lên tới hàng nghìn m2 của Công ty Lạc Hồng. Tòa soạn sẽ xác minh, làm rõ.
Thông tin phản ánh, vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định xử phạt hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn.
Cụ thể, Tổng Công ty 36 (trụ sở ở 141 Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị xử phạt 300 triệu đồng với 4 hành vi vi phạm; Công ty cổ phần xây dựng thương mại Mạnh Cường (xóm Lở, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) bị xử phạt 375 triệu đồng với 6 hành vi vi phạm;
Công ty TNHH Dầu nhớt công nghiệp Valine (thôn Ngái Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn), Công ty cổ phần xây dựng Đà Bắc (tiểu khu Hương Lý, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc) cùng bị xử phạt 300 triệu đồng với 4 hành vi vi phạm;
Công ty cổ phần Nhuận Phát (xóm Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu) bị phạt 315 triệu đồng với 5 hành vi vi phạm; Công ty cổ phần Hoàng Đạt (thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) bị xử phạt 220 triệu đồng với 3 hành vi vi phạm.
Các hành vi vi phạm của những doanh nghiệp này chủ yếu là: không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định; khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; khai thác khoáng sản mà không có thiết kế mỏ theo quy định...
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với 16 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mà trong quá trình hoạt động khai thác chưa có thiết kế mỏ điều chỉnh (thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh) được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp vừa bị xử phạt vi phạm hành chính nói trên cũng nằm trong danh sách 16 đơn vị phải dừng hoạt động như: Công ty TNHH Dầu nhớt công nghiệp Valine, Công ty cổ phần Hoàng Đạt, Công ty Cổ phần Nhuận Phát, Công ty Cổ phần xây dựng Đà Bắc.
Thông tin phản ánh, năm 2006, UBND tỉnh Sóc Trăng thu hồi 588.442,1m2 đất của người dân để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Tân Phú tọa lạc tại khóm 5, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Có 131 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó, mỗi hộ dân bị thu hồi được hỗ trợ 24 triệu đồng/1.000m2 đối với đất trồng lúa, 56 triệu đồng/1.000m2 đối đất trồng cây lâu năm…
Tuy nhiên, theo phản ánh từ khi thu hồi đất đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng không thực hiện dự án mà lại bỏ hoang đất và điều chỉnh quy hoạch thành chợ đầu mối nông sản. Thông tin về việc này, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Dự án Khu công nghiệp Tân Phú đến nay chưa triển khai có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Dự án Khu công nghiệp Tân Phú tới nay vẫn là bãi đất trống - Ảnh Thành Nhớ |
Tại thời điểm thu hồi đất năm 2006, có 12 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, 02 hộ nhận một phần; phần đất của 14 hộ bị thu hồi nằm ở nhiều vị trí khác nhau, quá trình giải quyết khiếu nại kéo dài, công dân chưa đồng thuận; việc xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển khu công nghiệp Tân Phú chưa hiệu quả.
Đồng thời, nhận thấy vị trí đặt khu công nghiệp tại Trung tâm thị xã Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng), không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị nên UBND tỉnh dừng thực hiện Dự án Khu công nghiệp Tân Phú và chuyển sang tổ chức đầu tư xây dựng các công trình văn hóa thể thao.
Hiện UBND tỉnh Sóc Trăng đang giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành địa phương liên quan rà soát Đồ án quy hoạch phân khu 8D, Phường 8, đề xuất định hướng quy hoạch phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị thành phố Sóc Trăng, báo cáo đề xuất UBND tỉnh thông qua Ban Cán sự đảng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.