Người dân nguy cơ không có chỗ ở...
Thời gian qua, toà soạn Báo Công Thương nhận được phản ánh của bà Trần Thị Sinh (trú tại khu phố Đa Hội, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về việc gia đình bà bị UBND phường Châu Khê yêu cầu tháo dỡ căn nhà đang ở, chuyển đi nơi khác nhưng không có phương án đền bù và hỗ trợ đất ở.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Sinh cho biết, vào năm 2003, gia đình bà không có chỗ ở, phải đi ở nhờ, do đó, bà đã làm đơn xin UBND xã Châu Khê (nay là phường Châu Khê) cấp đất để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, mãi tới 5 năm sau (2008), gia đình bà mới được dân chính thôn Đa Hội bàn giao mặt bằng khu đất rộng khoảng 20m2 ở khu kiôt bên cạnh bờ sông Ngũ Huyện Khê để làm chỗ ở tạm thời.
Khi nhận bàn giao khu đất này, gia đình bà phải đóng 25 triệu đồng vào quỹ xây dựng của địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó, số tiền này được diễn giải là “tiền ủng hộ địa phương làm đường ra nghĩa trang”.
Căn nhà hai tầng cũ kỹ của bà Sinh đang bị UBND phường Châu Khê yêu cầu tháo dỡ. Ảnh: Phong Lâm |
Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, UBND phường Châu Khê đã có thông báo đôn đốc, yêu cầu gia đình bà phá dỡ công trình này và chuyển đi nơi khác để ở. Lý do được phía UBND phường Châu Khê đưa ra là khu đất mà gia đình bà Trần Thị Sinh đang sinh sống đã được khu phố Đa Hội giao trái thẩm quyền, nên buộc phải tiến hành biện pháp khắc phục là tháo dỡ các công trình, di dời người dân đi nơi khác để trả lại mặt bằng cho nhà nước.
Không đồng tình với thông báo yêu cầu phá dỡ nhà ở, di dời đi nơi khác của UBND phường Châu Khê, bà Sinh đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền như UBND thành phố Từ Sơn, UBND tỉnh Bắc Ninh, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh.
Bà Trần Thị Sinh cho biết, nếu phải phá dỡ căn nhà hiện tại, gia đình bà với 7 nhân khẩu không biết phải đi về đâu. Ảnh: Phong Lâm |
Trong các lá đơn gửi đi, bà Sinh đều bày tỏ mong muốn được chính quyền cấp đất ở, hỗ trợ kinh phí xây nhà mới sau khi đã phá dỡ công trình cũ ở bờ sông Ngũ Huyện Khê theo yêu cầu của UBND phường Châu Khê.
“Gia đình tôi có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà có 7 nhân khẩu thường xuyên sinh sống tại đây (gồm tôi, con trai, con dâu, cháu nội và 3 cháu ngoại). Nếu buộc phải tháo dỡ ngôi nhà này, chúng tôi không biết đi đâu ở khi chưa được cấp đất. Thời điểm tôi nhận bàn giao đất, tôi cũng phải chắt bóp từng đồng để đủ 25 triệu nộp cho khu phố. Sau đó, gia đình tôi cũng phải nhịn ăn nhịn mặc để xây được căn nhà này. Nay bị yêu cầu phá bỏ và chuyển đi, tôi rất đau xót. Tôi chỉ mong nếu phải phá dỡ, chính quyền có thể cho tôi một khu đất ở khu giãn dân để tôi sinh sống, xây nhà ở. Chúng tôi cũng cần được hỗ trợ cả về kinh phí”, bà Sinh nói.
Theo tìm hiểu, tại Biên bản tạm giao mặt bằng khu đất chợ Đa Hội cho gia đình bà sinh có thể hiện nội dung "khi nhà nước hoặc địa phương có nhu cầu sử dụng lại khu ki ốt chợ Đa Hội, yêu cầu phải trả lại mặt bằng". Tuy nhiên, theo bà Sinh, một số trường hợp trước đây cũng được giao đất như gia đình bà, hiện nay sau khi thu hồi đất thì chính quyền địa phương đã bố trí đất ở tại khu giãn dân? Chính vì vậy, bà Sinh đặt ra dấu hỏi, tại sao gia đình bà lại không được và người dân có được đảm bảo sự công bằng ở đây hay không?
…đến những hành vi sai trái bị phát hiện
Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, ông T. V. T chính là người đã ký hàng loạt hợp đồng cho thuê đất, giao đất, thu tiền sử dụng đất công trái thẩm quyền với nhiều hộ dân.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008-2011, ông T. V. T là Trưởng khu phố Đa Hội đã ký hợp đồng cho thuê đất, giao đất thời hạn lâu dài (có thu tiền) với rất nhiều hộ dân ở dự án giãn dân – Ao Cụ Kệ. Tuy nhiên, nhiều phần diện tích đất mà ông T.V.T ký cho các hộ dân thuê được cho là đất trồng cây xanh, đất làm trạm điện và đất giao thông của dự án.
Chia sẻ với phóng viên, bà T.T.L, cùng ở khu phố Đa Hội cho biết, gia đình bà cũng được ông T.V.T cùng các thành viên khu phố Đa Hội ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài từ tháng 10/2009. Số tiền mà gia đình bà phải nộp là 300 triệu đồng.
“Thời điểm đó con số 300 triệu đồng là rất lớn, tuy nhiên, do gia đình tôi đông nhân khẩu, không có đất ở nên chúng tôi đành phải đóng tiền để được giao đất”, bà L. nói.
Để được giao đất, bà L. đã phải đóng số tiền 300 triệu đồng vào năm 2009. Ảnh: Phong Lâm |
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 29/5/2024, UBND phường Châu Khê đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Sinh Quyết định cũng nêu rõ, gia đình bà Sinh là 1 trong 8 hộ đã được khu phố Đa Hội giao đất trái thẩm quyền.
Trước đó, Kết luận thanh tra số 165/KL-UBND ngày 17/3/2020 của UBND thị xã Từ Sơn về công tác quản lý và sử dụng đất đai tại phường Châu Khê cũng xã định rằng, Trưởng khu phố Đa Hội (tức ông T.V.T) trước năm 2016 đã cho thuê 8 kiốt bán hàng tại sân đình Đa Hội không đúng thẩm quyền.
Vậy, có hay không việc ông T.V.T ký hợp đồng, cho thuê đất lâu dài? Và câu hỏi đặt ra là, số tiền mà khu phố Đa Hội thu của các hộ dân là bao nhiêu? Số tiền này có được nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định hay không? Trách nhiệm thuộc về ai? Người dân bị ảnh hưởng bởi các quyết định không đúng thẩm quyền có được đền bù thiệt hại?
Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND thành phố Từ Sơn và UBND phường Châu Khê. Đến nay, phía UBND thành phố Từ Sơn chưa có phản hồi về sự việc.
Còn đối với UBND phường Châu Khê, trao đổi với phóng viên, ông Dương Quang Sắc, Chủ tịch UBND phường cho biết đã nhận được phản ánh của người dân và báo chí, tuy nhiên, chưa thể trả lời ngay.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của người dân, bảo đảm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai được thực hiện nghiêm, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi ký hợp đồng giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất công không đúng thẩm quyền.