Chậm đấu nối hạ tầng, do đâu?
Tháng 4/2023, dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên làm chủ đầu tư chính thức được khởi công. Sau hơn một năm thi công, hạ tầng kỹ thuật của Cụm công nghiệp Thanh Đa đã hoàn thành đồng bộ, hiện đại với hệ thống cấp thoát nước, đường nội khu, hạ tầng cấp điện...
Song, hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp tại Cụm công nghiệp Thanh Đa đang rất băn khoăn, lo lắng cho tiến độ các dự án mở rộng sản xuất bởi hệ thống thoát nước thải, nước mưa của cụm công nghiệp này dù đã được chủ đầu tư xây dựng nhưng chưa được địa phương kế bên là UBND huyện Đan Phượng bố trí mặt bằng xây dựng công trình đấu nối vào hạ tầng chung.
![]() |
Các hạng mục công trình tại Cụm công nghiệp Thanh Đa đến nay đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên hệ thống thoát nước mưa, nước thải chưa được đấu nối với huyện Đan Phượng. Ảnh: Phong Lâm |
Theo tìm hiểu, ngày 23/12/2024, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 15668/VP-ĐT truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn về việc đấu nối thoát nước mưa của Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ.
Văn bản được gửi tới Sở Xây dựng và UBND huyện Đan Phượng, trong đó nêu rõ: “Trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 5138/SXD-CTN ngày 27/6/2024, ngày 15/7/2024, UBND Thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 8533/VP-ĐT của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đối với phương án, giải pháp đấu nối thoát nước mưa của Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Giao Sở Xây dựng phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Đan Phượng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên thống nhất phương án xử lý, giải quyết đảm bảo việc tiêu thoát nước, đảm bảo môi trường theo quy định”.
Được biết, đây đã là lần thứ 3 UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là huyện Đan Phượng về việc đấu nối hệ thống thoát nước cho Cụm công nghiệp Thanh Đa.
Trước đó, vào ngày 10/6/2024, UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 6989/VP-ĐT chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu nối thoát nước từ Cụm công nghiệp Thanh Đa.
Sở Xây dựng sau đó đã chủ trì họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, UBND huyện Phúc Thọ, UBND huyện Đan Phượng. Trên cơ sở cuộc họp và hồ sơ, tài liệu, Sở Xây dựng đã có Báo cáo số 5138/SXD-CTN ngày 27/6/2024 gửi UBND Thành phố Hà Nội.
Trong báo cáo trên, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Đan Phượng phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên thực hiện thoả thuận đấu nối thoát nước mưa của Cụm công nghiệp Thanh Đa theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 5138/SXD-CTN của Sở Xây dựng, vào ngày 15/7/2024, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 8533/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Trong đó, yêu cầu UBND huyện Đan Phượng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên có trách nhiệm phối hợp, thống nhất phương án, giải pháp đấu nối thoát nước của Cụm công nghiệp Thanh Đa.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo môi trường. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố Hà Nội trong tháng 8/2024. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo liên tục, quyết liệt là vậy, song cho đến nay, UBND huyện Đan Phương vẫn chưa bố trí mặt bằng, thực hiện giải quyết theo chỉ đạo khiến việc đấu nối hệ thống thoát nước của Cụm công nghiệp Thanh Đa bị đình trệ. Điều này khiến các nhà đầu tư thứ cấp lo lắng vì không thể quyết định đầu tư mở rộng sản xuất.
Kỳ vọng vào một cụm công nghiệp hiện đại, với đầy đủ hạ tầng và đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư xây dựng nhưng không được cấp thoát nước đầy đủ khiến nhiều cử tri bức xúc, kiến nghị lên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND Thành phố Hà Nội, cử tri Vũ Ngọc Anh (Bắc Từ Liêm) đặt câu hỏi chất vấn: “Cụm công nghiệp Thanh Đa, diện tích 8,1ha được Thành phố khởi công xây dựng vào tháng 4/2023. Đến nay dự án đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc đấu nối hệ thống thoát nước của cụm công nghiệp vào hệ thống tiêu thoát nước của xã Phương Đình, huyện Đan Phượng vẫn chưa được chấp thuận, thống nhất triển khai, ảnh hưởng đến vận hành dự án. Đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình giải quyết”?.
Trên thực tế, những chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội đã được các Sở, ngành cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Về phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên, doanh nghiệp này cũng đã cam kết sẽ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định trước khi đưa vào hệ thống thoát nước trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Trong báo cáo số 950/SXD-CTN gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND Thành phố "giao UBND huyện Đan Phượng thực hiện thỏa thuận đấu nối theo quy định, thực hiện các thủ tục liên quan bố trí mặt bằng cho tuyến thoát nước đấu nối...". Sau đó, UBND Thành phố cũng đã có Văn bản số 8533/VP-ĐT thống nhất với kiến nghị này của Sở Xây dựng.
Việc đấu nối hệ thống thoát nước của Cụm công nghiệp Thanh Đa vào hạ tầng của huyện Đan Phượng cũng được Sở Công Thương ủng hộ, đồng thời cho rằng đây là việc "rất cấp thiết" để thu hút các dự án đầu tư. Như vậy, vấn đề chỉ còn nằm ở phía huyện Đan Phượng.
![]() |
Dù đã có chỉ đạo từ UBND Thành phố, việc đấu nối hệ thống thoát nước cho Cụm công nghiệp Thanh Đa vẫn chưa được huyện Đan Phượng giải quyết dứt điểm. Trong ảnh là trụ sở UBND huyện Đan Phượng. Ảnh: Phong Lâm |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hoàn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng xác nhận: Đúng là huyện đã nhận được các văn bản chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, sở dĩ việc đấu nối thoát nước cho Cụm công nghiệp Thanh Đa chưa thể thực hiện được là do vướng quy trình về sử dụng đất công theo quy định tại Luật Đất đai.
“Để có thể đưa nước thải từ Cụm công nghiệp Thanh Đa ra hệ thống kênh thuộc địa bàn huyện Đan Phượng phải thi công đường cống hộp đấu nối (dài khoảng 60m). Tuy nhiên, phần đất này nằm ngoài phạm vi dự án, do đó, nếu muốn sử dụng thì chủ đầu tư phải thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, theo Luật đất đai, đây là phần đất công thì phải được thành phố Hà Nội cho thuê đất. Tuy nhiên, trong quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa chỉ có các phần đất thuộc quản lý của huyện Phúc Thọ, phần đất thi công cống hộp (trên địa bàn huyện Đan Phượng) không có. Kể cả 1m2 hay 2m2 cũng phải có trong quyết định thành lập thì mới đủ điều kiện làm. Huyện Đan Phượng cũng có kiến nghị Sở Công Thương phải tham mưu điều chỉnh lại quyết định thành lập và bổ sung thêm diện tích đất của Đan Phượng vào Cụm công nghiệp Thanh Đa mới đủ điều kiện thu hồi đất làm đoạn cống hộp này”, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho hay.
Sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp "thiệt đơn, thiệt kép"
Việc hệ thống đấu nối thoát nước tại Cụm công nghiệp Thanh Đa chưa được đấu nối khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp "đứng ngồi không yên". Bởi nếu như không thể đấu nối hệ thống thoát nước, việc sản xuất sẽ bị đình trệ, gây thiệt hại về kinh tế. Hệ lụy này kéo dài sẽ dẫn tới việc Cụm công nghiệp Thanh Đa đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục thu hút đầu tư, gây lãng phí nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp.
“Vấn đề này chúng tôi cũng liên lạc với quản lý Cụm công nghiệp Thanh Đa liên tục. Phía cụm công nghiệp cũng rất cố gắng muốn hoàn thành đấu nối nhưng đang vướng mắc bên phía huyện Đan Phượng.
Tôi cũng như các nhà đầu tư thuê đất ở đây đều bỏ ra rất nhiều tiền xây dựng nhà xưởng mà không có hệ thống thoát nước thì không thể sản xuất được. Điều này sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại đến kinh tế. Tiền chúng tôi còn đang phải vay ngân hàng để đầu tư. Chúng tôi mong các cấp chính quyền hỗ trợ Cụm công nghiệp Thanh Đa và doanh nghiệp hoàn thành sớm nhất đường ống thoát nước thải của cụm để khi doanh nghiệp xây dựng xong có thể đi vào hoạt động, không bị đình trệ. Chúng tôi đầu tư nhiều tiền vào mà không được hoạt động thì doanh nghiệp cũng không sống được”, đại diện một nhà đầu tư thứ cấp liên tiếng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) cũng cho biết, đúng như dư luận phản ánh, hệ thống thoát nước của Cụm công nghiệp Thanh Đa chưa được đấu nối với hệ thống thoát nước của huyện Đan Phượng, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Dù Thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo nhưng việc triển khai đấu nối vẫn bị chậm trễ, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.
![]() |
Khu vực xử lý nước thải của Cụm công nghiệp Thanh Đa được xây dựng hiện đại nhưng không thể hoạt động vì chưa có đường thoát nước. Ảnh: Phong Lâm |
“Mặc dù việc đấu nối thoát nước từ Cụm công nghiệp Thanh Đa sang huyện Đan Phượng đã được thành phố Hà Nội duyệt nhưng việc này vẫn ách tắc, chưa được giải quyết. Điều này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư, xây dựng. Kể cả nhà đầu tư người ta được cấp phép xây dựng đi chăng nữa nhưng nếu xây xong mà không có hệ thống thoát nước thải, không hoạt động được thì cũng rất khó khăn. Cứ qua một năm thì chủ đầu tư lại thiệt hại thêm tiền, vì số tiền thuê đất họ bỏ ra rồi, nay chưa được hoạt động thì họ không thể bù đắp chi phí được. Vừa rồi có Đoàn giám sát của HĐND Thành phố cũng đã về làm việc, sau đó cũng đã có kiến nghị, đề nghị HĐND Thành phố có chỉ đạo để xử lý dứt điểm việc này”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho hay.
UBND huyện Đan Phượng đã có những lý giải về việc đấu nối thoát nước cho Cụm công nghiệp Thanh Đa chưa thể thực hiện được là do vướng quy trình về sử dụng đất công, tuy trên thực tế, UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo thống nhất với kiến nghị của Sở Xây dựng về việc ""giao UBND huyện Đan Phượng thực hiện thỏa thuận đấu nối theo quy định, thực hiện các thủ tục liên quan bố trí mặt bằng cho tuyến thoát nước đấu nối..." Vậy, vì sao UBND huyện Đan Phượng chưa thể thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố Hà Nội?
Để sớm đưa Cụm công nghiệp Thanh Đa đi vào hoạt động, bảo đảm hiệu quả dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về chống lãng phí, đề nghị UBND huyện Đan Phượng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, tập trung phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành đấu nối thoát nước cho Cụm công nghiệp Thanh Đa.
Cụm công nghiệp Thanh Đa tại được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thành lập tại Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 với quy mô đầu tư xây dựng 81.834m2 nằm trên địa bàn xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Đây được xác định là cụm công nghiệp làng nghề, trong đó có định hướng các ngành nghề như: chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ… Từ quý II/2020 đến tháng 11/2022, chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên đã phối hợp với huyện Phúc Thọ, các sở ngành của thành phố Hà Nội, tập trung triển khai rốt ráo các bước chuẩn bị đầu tư. Tới tháng 4/2023, dự án được khởi công và cho đến thời điểm hiện tại, hạ tầng kỹ thuật tại Cụm công nghiệp Thanh Đa đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, cụm công nghiệp này hiện vẫn chưa được đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống thoát nước của huyện Đan Phượng dù phương án này đã được Thành phố duyệt và được các Sở, ngành khác ủng hộ. |