Xe nhiều lỗi hỏng dù mới sử dụng
Thời gian qua, Báo Công Thương nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc sản phẩm xe điện Hokido bị hư hỏng dù mới mua, doanh nghiệp có dấu hiệu "né" bảo hành.
Trao đổi với phóng viên, ông P.Đ.H (trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, vào đầu tháng 9/2024, thông qua website hokido.com.vn, ông H. đặt mua một chiếc xe điện Hokido (mã sản phẩm: HKD 06) màu xanh với giá 5.250.000 đồng. Ngày 4/9/2024, chiếc xe được giao đến nhà ông H. kèm theo phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng.
Một phần giao diện website hokido.com.vn, nơi ông Đ.P.H tìm hiểu thông tin và đặt hàng chiếc xe điện Hokido. Ảnh chụp màn hình |
Theo chính sách của hãng, khung xe được bảo hành 5 năm, các linh kiện khác (gồm cả pin) được bảo hành 2 năm. Tuy nhiên, khi mới sử dụng chiếc xe chưa đầy một tháng, ông H. phát hiện chiếc xe xảy ra nhiều hư hỏng. Cụ thể, chiếc xe bị gãy một phần chân chống giữa. Chiếc bình ắc quy chỉ chạy được quãng đường dưới khoảng 3km đã hết điện dù hãng quảng cáo bình này có thể chạy từ 50-55km/1 lần sạc. Thêm vào đó, bánh xe liên tục hết hơi bất thường, con trai ông phải bơm hơi vào mỗi buổi sáng trước khi đưa xe ra đường.
“Chiếc xe này tôi mới mua được gần một tháng nhưng bánh sau liên tục hết hơi, con trai sáng nào cũng phải bơm xe để đi học. Chân chống giữa của xe cũng bị gãy một phần. Đặc biệt, ắc quy của xe điện hãng quảng cáo đi được hơn 50km mới hết một lần sạc nhưng trên thực tế tôi đi khoảng 3km đã hết điện”, ông H. bức xúc nói.
Cũng theo ông H., sau khi chiếc xe xảy ra hư hỏng, ông H. gọi đến số điện thoại bảo hành ghi trong phiếu bảo hành (cũng là số điện thoại niêm yết trên website hokido.com.vn) để yêu cầu bảo hành. Tuy nhiên, nhiều lần số điện thoại này có chuông nhưng không ai nghe máy. Có cuộc gọi có người nghe máy nhưng khi ông H. đề cập vấn đề bảo hành thì đầu dây bên kia ngắt máy ngay lập tức. Ông H. cũng nhắn tin cho nhân viên tư vấn bán xe nhưng không nhận được hồi âm.
“Tôi gọi điện theo số bảo hành họ không nghe máy, nhắn tin và gọi zalo họ cũng không trả lời. Tôi có lấy một số khác để gọi thì họ nghe máy, nhưng khi đề cập tới vấn đề bảo hành thì họ tắt máy luôn. Sự việc này khiến tôi rất bức xúc. Khi liên hệ hỏi mua hàng họ tư vấn rất nhanh nhưng đến khi bảo hành thì gọi không được”, ông H. nói thêm.
Dù mới mua được gần một tháng nhưng chiếc xe điện Hokido mà ông P.Đ.H đặt mua đã xảy ra nhiều hư hỏng. Ảnh người tiêu dùng cung cấp |
Những dấu hiệu đáng ngờ về nguồn gốc, xuất xứ
Trong vai khách hàng, phóng viên cũng đã liên hệ tới website hokido.com.vn (thông qua biểu mẫu thông tin có sẵn trên website này) để đặt hàng một chiếc xe điện 3 bánh Durable.
Chỉ vài phút sau khi phóng viên điền thông tin cá nhân xong, một nữ nhân viên tên Chi đã liên hệ với phóng viên và đề nghị được tư vấn thêm về sản phẩm. Theo giới thiệu của nhân viên tư vấn, chiếc xe này là hàng liên doanh Việt-Nhật và được bán với giá 6.990.000 đồng bao gồm cả bình ắc quy.
Mặc dù chiếc xe được giới thiệu là hàng liên doanh Việt-Nhật nhưng khi phóng viên hỏi về các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của xe thì nhân viên này nói không có. “Xe không cần đăng kí biển nên sẽ không có giấy tờ như xe cần đăng kí đâu anh ạ”, nhân viên tư vấn nói.
Chiếc xe điện 3 bánh mà Công ty TNHH Hamachi Việt Nam giao tới cho phóng viên (trong vai khách hàng). Ảnh: Phong Lâm |
Ít ngày sau khi đặt hàng, phía Công ty TNHH Hamachi Việt Nam đã giao tới cho phóng viên chiếc xe điện 3 bánh nhãn hiệu Durable. Kèm theo chiếc xe được giao là một cuốn sổ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt có ghi thông tin của Công ty TNHH Hamachi Việt Nam (địa chỉ tại Khu công nghiệp Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội).
Tuy nhiên, những giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không được phía công ty này gửi kèm sản phẩm dù phóng viên (trong vai khách hàng) yêu cầu. Trên phần thân xe, khung xe cũng không có tem chứng nhận hợp quy theo quy định. Trong khi đó, theo quy chuẩn QCVN 68:2013/BGVT về xe đạp điện do Bộ Giao thông vận tải ban hành, các doanh nghiệp sản xuất, lắp rắp, nhập khẩu xe đạp điện bắt buộc phải tiến hành chứng nhận hợp quy và gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường.
Cũng theo quan sát của phóng viên, bộ sạc pin kèm theo chiếc xe điện 3 bánh cũng không ghi nơi sản xuất. Thông tin bên ngoài vỏ hộp là tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.
Tất cả những giấy tờ kèm theo đều không nêu rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng rất khó để xác định sản phẩm này do chính Công ty TNHH Hamachi Việt Nam sản xuất hay nhập khẩu nguyên chiếc về phân phối. Không rõ các linh kiện được sử dụng cho xe điện này có nguồn gốc từ đâu.
Hộp chứa sạc pin toàn tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ và hướng dẫn sử dụng của Công ty TNHH Hamachi Việt Nam được giao kèm chiếc xe điện 3 bánh. Ảnh: Phong Lâm |
Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ tới Công ty TNHH Hamachi Việt Nam. Một người đàn ông tự xưng là đại diện truyền thông của công ty này cho biết đã tiếp nhận thông tin phản ánh và sẽ có phản hồi sau. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, Công ty TNHH Hamachi Việt Nam chưa giải quyết vấn đề khách hàng phản ánh và chưa phản hồi cơ quan báo chí về sự việc.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Công ty TNHH Hamachi Việt Nam chậm trễ giải quyết phản ánh của khách hàng về sản phẩm xe điện Hokido do công ty này phân phối? Vì sao sản phẩm giao cho khách hàng không có giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc đi kèm dù khách hàng yêu cầu? Công ty TNHH Hamachi Việt Nam đã tiến hành chứng nhận hợp quy cho sản phẩm xe điện của công ty hay chưa? Sản phẩm của công ty có đảm bảo chất lượng hay không?
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!