Hộp thư 4/8: Công ty Quảng Bình ‘kêu’ UBND tỉnh Hưng Yên làm khó, Thanh tra Chính phủ nêu loạt sai phạm tại Hải Dương
Mục Hộp thư bạn đọcBáo Công Thương nhận phản ánh liên quan đến một số vụ việc cụ thể như sau:
Báo Công Thương nhận được thông tin phản ánh cho biết: Mới đây, Công an quận Tân Bình, TPHCM đã có văn bản gửi Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất - Đội Hành lý xuất đề nghị chuyển giấy mời cho bà N.T.L (nơi làm việc Đội Hành lý xuất) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để làm việc. Theo phản ánh, bà L được mời đến Công an quận Tân Bình để phối hợp điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến dấu hiệu vận chuyển vàng không đúng quy định qua đường hàng không về Việt Nam và một số nội dung khác. Sự việc này cho thấy việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái quy định qua đường hàng không vẫn chưa hết "nóng". Đặc biệt Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Báo Công Thương đề nghị các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh để các vụ việc tiếp theo không tái diễn. Báo sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin về sự việc.
Thông tin phản ánh: Nhiều năm qua, gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu tại khu Chùa Bộ và Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công dự án Khu công nghiệp Cẩm Khê.
Được biết, Khu công nghiệp Cẩm Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam và đến ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND về việc thành lập Khu công nghiệp Cẩm Khê. Khu công nghiệp Cẩm Khê có diện tích 450ha thuộc địa phận Thị trấn Cẩm Khê và xã Xương Thịnh. Ngày 11/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Cẩm Khê. Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Xây dựng Đức Anh đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, theo phản ánh, quá trình thi công dự án đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì ô nhiễm môi trường. Việc đi lại của người dân gặp khó khăn mỗi khi có mưa lớn. Tòa soạn sẽ xác minh làm rõ.
Thông tin phản ánh: Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Quảng Bình đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đề nghị được làm rõ việc doanh nghiệp đã đầu tư, thực hiện các thủ tục pháp lý hơn 12 năm, được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (cát) tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu và gia hạn nhiều lần nhưng không được bàn giao mốc giới để thực hiện việc khai thác. Sắp hết thời hạn khai thác, dù chưa được khai thác để bù đắp chi phí thì ngày 27/10/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2450-UBND huỷ bỏ quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh Hưng Yên về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên |
Theo ý kiến doanh nghiệp, UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện các thủ tục để chấm dứt việc khai thác dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phá sản, các nhà đầu tư mất toàn bộ vốn đầu tư. Hiện phía Công ty Quảng Bình đã gửi đơn tới các các cơ quan chức năng và đã làm việc với một số sở ban, ngành tỉnh Hưng Yên song sự việc chưa được xử lý dứt điểm. Báo Công Thương cũng đã liên hệ với UBND tỉnh Hưng Yên và được biết, UBND tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn trả lời ý kiến doanh nghiệp... Tòa soạn sẽ tiếp tục làm rõ.
Thông tin phản ánh: Mới đây Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, tại Dự án Khu dân cư Đại An II tại phường Tử Minh, TP Hải Dương việc triển khai các bước về lập quy hoạch kéo dài, điều chỉnh cơ cấu, ranh giới cho thuê đất nhưng chưa kịp thời thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định, từ đó dẫn đến chậm lựa chọn chủ đầu tư dự án làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Đại An đang tạm quản lý đất khu vực dự án, chưa được lựa chọn chính thức làm chủ đầu tư, doanh nghiệp đã thi công đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến hành xây dựng nhà trên một số ô đất vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng.
Dự án Khu dân cư Đại An II - Ảnh Internet |
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra 4 dự án đã được giao đất trên 1 năm nhưng vẫn chưa phê duyệt giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất như: Dự án Khu đô thị Đại Sơn tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu dân cư, dịch vụ thương mại phía Bắc thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang; Dự án Khu dân cư, dịch vụ, thương mại phía Bắc thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn; Dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, để xảy ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai nêu trên, thuộc trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2016–2020 và thời kỳ có liên quan; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, ngành phụ trách lĩnh vực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ có liên quan. Tòa soạn sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin về những nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại, hoạt động kinh doanh thương mại, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp liên quan, công tác đấu giá đất chưa đảm bảo pháp luật về cạnh tranh...từ thông tin trong Kết luận Thanh tra, là lĩnh vực thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.