Cơ cấu giải thưởng sẽ có 100 doanh nghiệp đạt giải, bao gồm Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt xuất sắc; Top 10 doanh nghiệp xuất sắc có tỷ lệ nội địa hóa cao; 80 doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Quý - Tổng Biên tập Báo Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực giải thưởng - khẳng định, sau hơn 5 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị đã đạt được nhiều kết quả to lớn với sức lan tỏa rộng khắp làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội; không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ hàng Việt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa Việt; nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, qua báo cáo sơ bộ của Bộ Công Thương chỉ sau 2 năm triển khai thỏa thuận giữa các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau đã đạt được một số kết quả, trong đó nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị lên tới trên 71.000 tỷ đồng.
Tổng biên tập Báo Công Thương Nguyễn Hữu Quý - Phó Trưởng ban Thường trực giải thưởng - trả lời các câu hỏi của báo giới (Ảnh: Cấn Dũng)
Chính vì vậy, giải thưởng này có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, nhằm tôn vinh giá trị của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phân phối, thương mại, dịch vụ đã tích cực hưởng ứng, đi đầu trong việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Giải thưởng nằm trong Kế hoạch 472/KH-MTTW-BCTĐTWCĐ ngày 22/4/2014 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức giải thưởng này.
Theo đó, Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch, hồ sơ bộ tiêu chí chi tiết, triển khai quyết liệt, rộng khắp trên cả nước với sự tham gia của các cơ quan đơn vị liên quan từ trung ương tới địa phương. Sau hơn 6 tháng chuẩn bị, làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, công khai, minh bạch, Hội đồng xét chọn đã phân tích, đánh giá và lựa chọn được 100 doanh nghiệp xuất sắc đạt giải trong số gần 300 bộ hồ sơ được đề cử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề trên khắp cả nước. Danh sách 100 doanh nghiệp đạt Giải thưởng sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu lần thứ nhất xem Tại đây.
Lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng, ngày 15/3/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. |
Nhấn mạnh thêm về cơ cấu các doanh nghiệp đạt giải, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, khái niệm hàng Việt Nam rất rộng bao gồm tất cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, giải thưởng này ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ do người Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh với thương hiệu Việt. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không là đối tượng xét chọn lần này.
Đánh giá cao công tác tổ chức Giải của Bộ Công Thương nhiều ý kiến cho rằng nên duy trì và tổ chức giải thưởng này thường niên, qua đó sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy hết năng lực, sáng tạo, cùng chung sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, cạnh tranh mang thương hiệu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, cũng như tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại đã và sẽ ký kết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì cuộc họp đánh giá công tác các khâu chuẩn bị của Ban tổ chức
Họp Hội đồng xét chọn và Họp Chung khảo Ban Tổ chức giải thưởng
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - Trưởng ban Tổ chức giải thưởng - đã chủ trì các cuộc họp Ban Tổ chức, chỉ đạo quán triệt với tinh thần phải xây dựng được một giải thưởng có uy tín nhưng mang tính đặc thù, sáng tạo, không lặp lại những giải thưởng đã làm và mang ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp. Các thành viên Ban tổ chức, Hội đồng xét duyệt gồm nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, nhà kinh tế uy tín... cũng đã trực tiếp đi thẩm định các doanh nghiệp trong diện bình xét.
Thường trực Ban Tổ chức làm việc với UBMTTQ VIệt Nam tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Nghệ An, Thái Nguyên