Chủ nhật 22/12/2024 19:43

Hồn dân tộc qua tranh dân gian Đông Hồ

Ra đời vào khoảng thế kỷ 16 - 17 tại một làng nhỏ ven sông Đuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta, mang vẻ đẹp tinh túy và những giá trị văn hóa đại diện cho di sản dân tộc.

"Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

Hai câu thơ trên của nhà thơ Hoàng Cầm đã khái quát về một dòng tranh dân gian độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đó là dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh truyền thống từ bao đời nay. Tranh Đông Hồ phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của nhiều đối tượng nên tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc.

Là dòng tranh sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những bản khắc gỗ in trên giấy dó được quết mầu điệp. Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Chỉ với 4 màu cơ bản: Đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo, phản ánh trực tiếp đời sống tín ngưỡng và tinh thần của người dân đồng bằng Bắc bộ theo nhiều chủ đề: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh bộ, tranh sinh hoạt...

Quy trình sản xuất tranh cũng có khá nhiều công đoạn phức tạp: Vẽ mẫu, khắc ván, in tranh. Tất cả các khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn. Vì thế, mỗi bức tranh đều thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của những nghệ nhân.

Đầu tiên là khâu vẽ mẫu. Việc sáng tác tranh là do một người đảm nhận, nhưng được mọi người tham gia bình luận, góp ý để sửa lại cho phù hợp hơn. Mẫu vẽ xong được khắc lên ván in. Đây là khâu rất quan trọng và nó có ý nghĩa quyết định đến giá trị tác phẩm. Thông thường mỗi ván chỉ in được một màu. Do đó, số ván cần phải khắc bằng chính số màu trong tranh.

Giấy dùng in tranh là loại giấy dó (làm từ vỏ cây dó) với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Loại giấy này được quét lên một lớp hồ điệp để tạo nét sáng óng ánh đặc thù.

Màu in cũng là một nét vô cùng độc đáo trong quá trình sáng tạo, khám phá, tìm tòi và ứng dụng các nguyên vật liệu gần gũi từ tự nhiên vào hoạt động nghệ thuật (màu đỏ lấy từ sỏi non, gỗ vang; màu vàng lấy từ hoa hòe; màu đen lấy từ than lá tre gỗ; màu xanh từ lá chàm…). Điều này phản ánh cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam. Cách pha chế màu cũng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chất giấy… Đây là kinh nghiệm, sự sáng tạo, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ không bị bay màu, luôn tươi sáng, rực rỡ như lúc mới in xong.

Thông thường, người ta đề thơ lên tranh bằng chữ Hán. Những câu thơ ngắn gọn, súc tích, hàm chứa chủ đề của bức tranh. Nhờ vậy, người xem dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của bức tranh và tư tưởng mà người nghệ nhân muốn truyền đạt.

Di sản quý thế giới

Mặc dù kỹ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ được bảo toàn, gìn giữ, nhưng trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm lịch sử, dòng tranh này vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là thách thức về những người làm nghề. Theo nhiều tư liệu cũ, đến năm 1945 vẫn có tới 17 dòng họ theo đuổi nghề làm tranh truyền thống với vô số xưởng tranh trong làng. Sau đó, do nhu cầu phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã bỏ nghề chuyển sang làm vàng mã hoặc các nghề khác. Làng Đông Hồ hiện nay chỉ còn hai gia đình giữ được nghề làm tranh. Đó là gia đình các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã mất cách đây vài năm).

Tuy nhiên, kiên định giữ nghề, đến nay, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã trở thành chủ nhân của cơ sở sản xuất tranh nổi tiếng trong làng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ do gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thành lập đã trở thành nơi trưng bày 200 bức tranh Đông Hồ các loại cùng hàng nghìn bản khắc, khuôn tranh quý, là nơi để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học nghề và cũng là địa chỉ quen thuộc của những người yêu tranh. Bên cạnh việc điều hành, quản lý trung tâm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn triển khai tour du lịch kết nối làng Đông Hồ với chùa Phật Tích, làng rối nước Đồng Ngư, làng gốm cổ Luy Lâu, tạo thành tour du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách tham quan kết hợp tìm hiểu, mua tranh. Bằng nhiều cách, những nghệ nhân ít ỏi còn lại của dòng tranh Đông Hồ đang nỗ lực để tìm lại chỗ đứng cho làng tranh xưa.

Sự độc đáo trong chất liệu, màu sắc, hình tượng nghệ thuật khiến tranh dân gian Đông Hồ đến nay không chỉ là di sản quý của Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế yêu thích, ưa chuộng. Cuối năm 2012, dòng tranh này đã được Nhà nước vinh danh, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Từ đó, kịp thời bảo vệ dòng tranh quý.

Phương Lan

Tin cùng chuyên mục