Thứ năm 19/12/2024 13:09

Hội nhập quốc tế - “công cụ” để doanh nghiệp Việt tự tin ra biển lớn

Hội nhập kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu.

“Quả ngọt” từ các FTA

Trong vài năm trở lại đây, đã có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, đưa sản phẩm chất lượng, công nghệ cao đến với người tiêu dùng toàn cầu. Câu chuyện của VinFast là minh chứng rõ nhất. Năm 2021, VinFast đã mang lại cho Việt Nam và kể cả giới “mê” xe hơi nhiều bất ngờ khi tham gia Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 và trình làng 2 mẫu ô tô điện. Tiếp đến, tháng 9/2022, tại Nhà máy ở Hải Phòng, doanh nghiệp này đã tổ chức bàn giao 100 ô tô điện VF 8 và đã cho xuất khẩu lô xe VF 8 với số lượng khoảng 5.000 chiếc tới Mỹ, Canada và châu Âu vào đầu tháng 11 cùng năm.

Thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp và từng bước chinh phục được các thị trường khó tính

Ở góc độ ngành nông nghiệp, chúng ta cũng ghi nhận được nhiều hơn những câu chuyện xuất khẩu. Như đối với Vinasamex - doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam đã đưa nhiều dòng gia vị hữu cơ đến 20 thị trường lớn trên toàn thế giới như: Mỹ, Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc và nhiều sản phẩm của Vinasamex đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có Vinamilk xuất khẩu sữa bột của Việt Nam đến thị trường Trung Đông với thương hiệu Dielac; Công ty CP cà phê Trung Nguyên đã đưa được các thương hiệu Trung Nguyên, Trung Nguyên Legend vào Mỹ, Singapore sau nhiều nhọc nhằn. Gần đây nhất, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã đưa được sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp và từng bước chinh phục được các thị trường khó tính.

Dẫn lại một vài ví dụ trên để thấy việc hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua các Hiệp định thương mại tự do(FTA) đã giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, tham gia vào những thị trường giàu tiềm năng cũng như từng bước nâng cao quy mô xuất khẩu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA, chuẩn bị đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại song phương, đa phương. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

"Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường có FTA đều tăng trưởng mạnh mẽ, năm sau cao hơn năm trước" - Bộ Công Thương thông tin và cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tất cả 15 FTA đã ký có hiệu lực thực thi, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Bước sang năm 2023, nhờ lực đẩy từ các FTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 259,67 tỷ USD.

Vinasamex đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật Bản...

Các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế phát triển. Với Đắk Lắk, tận dụng lợi thế từ các FTA, hiện nay hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; mang sản phẩm, hàng hoá đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho hay, tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 14,4%/năm. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu là 1,151 triệu USD đạt 101,3% kế hoạch; năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 1,500 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 925 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex - chia sẻ, hiện nay, Vinasamex đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA. Việc hưởng lợi từ các FTA giúp doanh nghiệp có được khách hàng chuyển dịch từ thị trường khác sang mua hàng hoặc đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Huyền nhớ lại, trước đây, khi chưa có thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đại trà, dễ tính. Nhưng những năm gần đây, nhờ “đòn bẩy” của các FTA, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như: EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản...

Kết nối, cùng nhau làm thương hiệu, chinh phục các FTA

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã tự tin, vững vàng với “luật chơi”, “sân chơi” của hội nhập kinh tế quốc tế, song còn nhiều doanh nghiệp nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn e dè... bởi họ cho rằng, muốn nhập cuộc vào những thị trường rộng lớn, khó tính thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn khó khăn, ngặt nghèo... trong khi đó, nguồn nhân lực, nguồn vốn cũng như trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Chỉ rõ thực tế này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu, chấp nhận sản xuất gia công thuần túy, không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm. “Chẳng hạn, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng.

Hay như trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng” - ông Ngô Chung Khanh nêu thực tế.

Để tận dụng được hết các lợi thế từ các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước mắt phải xây dựng được thương hiệu quốc gia

Trong thời gian tới, các FTA sẽ chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu và rộng hơn với những cam kết mạnh mẽ hơn. Đồng thời, những chính sách hội nhập đa phương của các thị trường trong các FTA đã ký kết với Việt Nam cũng sẽ thay đổi, do vậy, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước mắt phải xây dựng được thương hiệu quốc gia.

Để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động cải tiến liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng đó, phải chuyển đổi ngành sản xuất để có thể cung cấp những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản phẩm mình có thể làm được” - ông Ngô Chung Khanh khuyến cáo và đề nghị, các doanh nghiệp phải ngồi với nhau để kết nối cùng nhau làm thương hiệu. Phải có các doanh nghiệp lớn đứng ra làm đầu tàu kết nối, có các hợp đồng để người nông dân cũng bắt tay cùng làm thương hiệu.

Việc đầu tiên là phải xây dựng được hệ sinh thái kết nối giữa các chủ thể liên quan đến chuỗi xuất khẩu sang thị trường có các FTA, trước mắt là mỗi địa phương tập trung vào một đến hai lĩnh vực có thế mạnh như đối với mặt hàng thủy sản ở Tiền Giang hay mặt hàng gạo ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, cần có nguồn tín dụng dành riêng để tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Ngô Chung Khanh đưa ra giải pháp.

Xác định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước, từ đó, đẩy mạnh nền kinh tế trong nước phát triển, do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương luôn sẵn sàng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hội nhập, tận dụng hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành cũng chỉ là “cái cần câu” còn tận dụng, phát huy như nào lại phụ thuộc chính vào sự chủ động, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm... của chính doanh nghiệp.

Khánh An
Bài viết cùng chủ đề: Thương vụ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tận dụng tối đa cơ hội từ Cổng FTAP

Khối EFTA và Thái Lan kết thúc đàm phán FTA: Dấu ấn hợp tác kinh tế châu Âu - Đông Nam Á

FTA Index: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam

Chuyên gia nêu giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi FTA

FTA Index: Động lực đổi mới để doanh nghiệp và địa phương hội nhập hiệu quả

Hiệp định thương mại tự do (FTA): ‘Đòn bẩy' cho doanh nghiệp tài chính hội nhập

Lãnh đạo Lefaso 'hiến kế' để Cổng FTAP mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp, địa phương

Cổng FTAP: Địa chỉ tin cậy giúp doanh nghiệp, địa phương tối ưu hóa lợi ích từ FTA

Chuyên gia 'hiến kế' để FTA Index giúp doanh nghiệp, địa phương hội nhập hiệu quả

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP

FTA Index - động lực để Hải Phòng tăng thu hút đầu tư chất lượng cao

Kỳ vọng bộ chỉ số FTA Index sẽ gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp

RCEP - cầu nối giao thương, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand

Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới

Các FTA - ‘đòn bẩy’ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ

Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP

RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc