Chợ A Lưới nổi tiếng là phiên chợ đặc sản vùng cao Thừa Thiên Huế |
Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh biên giới của tuyến biên giới Việt Nam - Lào, với chiều dài 84 km, có 2 cửa khẩu biên giới đất liền là Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng. Tại khu vực các cửa khẩu trên tuyến biên giới đều được tỉnh bố trí đủ các lực lượng chức năng như y tế, biên phòng, kiểm dịch và Chi cục Hải quan 1 cửa khẩu A Đớt. Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới vẫn chưa hình thành, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng tại khu vực các cửa khẩu chưa hoàn thiện, nhất là giao thông từ trung tâm các huyện Sá Muội, Đà Lùm (phía Lào) đến các cửa khẩu giao thông còn khó khăn gây hạn chế đến hoạt động thương mại biên giới của địa phương.
Theo quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 – 2030, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới sẽ xây dựng mới 2 chợ, quy mô hạng 3 gồm chợ cửa khẩu S3 (xã Hồng Vân), chợ cửa khẩu S10 (xã A Đớt). Khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu mua bán, giao thương của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một huyện miền núi. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng các chợ biên giới chưa được triển khai đúng kế hoạch.
Thực hiện Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng, xúc tiến thương mại địa phương. Trong đó, đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã vận động 74 lượt doanh nghiệp tổ chức khoảng 125 chuyến đưa hàng Việt về thôn, vùng sâu, vùng xa, thu hút hơn 100 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm... Điều này cho thấy sự chủ động, tích cực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước để củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống; vận động, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Tháng bán hàng khuyến mại của tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm. Đồng thời, tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu nhằm đưa hàng hóa đặc sản của bà con nông dân tiếp cận vào các kênh phân phối lớn, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của người dân địa phương.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai 2 dự án phát triển hạ tầng thương mại: Nâng cấp chợ A Lưới và xây mới chợ Bất Đỏ (huyện A Lưới) với tổng mức đầu tư 25,182 tỷ đồng. Hiện, 2 công trình cơ bản đã hoàn thành các hạng mục được phê duyệt, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2020. |