Hoá chất là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo “Những điểm mới của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam”.
Ông Phạm Huy Nam Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hoá chất - Bộ Công Thương. Ảnh NH |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hoá chất - Bộ Công Thương cho rằng: Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21//11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Hoá chất đã thể chế hoá, cụ thể hoá một cách nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Huy Nam Sơn, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tham gia thêm vào một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
“Do vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia” – Phó Cục trưởng Cục Hoá chất nêu.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, doanh nghiệp tham dự. Ảnh NH |
Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục Hoá chất, từ sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 với 4 nhóm Chính sách. Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 6/2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2024.
Sau quá trình triển khai xây dựng Luật, hiện nay, hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 vào tháng 10/2024. Tại phiên họp trên, về cơ bản, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ các điều kiện để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng hơn, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều khoản, nội dung để hoàn thiện.
Cũng nói về sự cần thiết của sửa đổi Luật Hoá chất, bà Nguyễn Thị Thêu, Phòng Phát triển Công nghiệp hoá chất (Cục Hoá chất - Bộ Công Thương) cho rằng: Ngành hoá chất đóng vai trò quan trọng và hiện diện trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là ngành công nghiệp nền tảng, chiếm tỷ trọng 2-5% GDP toàn ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng 10-11% mỗi năm. Đặc biệt, có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng hiện ngành hoá chất Việt Nam vẫn phát triển dưới tiềm năng. Do đó, việc sửa đổi Luật Hoá chất là cần thiết.
Theo ông Phạm Huy Nam Sơn, song song với việc xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, thân thiện hơn với môi trường, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022.
Định hướng của Chiến lược tập trung vào 4 vấn đề, bao gồm:
Thứ nhất, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với 10 phân ngành, trong đó tập trung phát triển một số phân ngành trọng điểm: Hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.
Thứ hai, duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến. Từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, hình thành các khu, cụm công nghiệp, các tổ hợp hóa chất, trung tâm logistic về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông. Khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác.
Thứ tư, từng bước di dời các cơ sở hoạt động hóa chất không đảm bảo an toàn, môi trường, phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao những điểm mới của Luật Hoá chất (sửa đổi), kỳ vọng những điểm mới này ngoài khắc phục được những tồn tại của lĩnh vực hoá chất, đồng thời mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp hoá chất phát triển, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.