Hội thảo do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức. Gần 200 đại biểu, trong đó có gần 60 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 20 đại diện của 15 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 35 phóng viên thuộc hơn 30 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo.
Hội thảo quy tụ nhiều học giả quốc tế có tên tuổi và uy tín hàng đầu thế giới như: TS Ulises Granados - Điều phối Chương trình nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Viện Công nghệ tự trị Mexico; TS Gerard Sasges - Viện Nghiên cứ Đông Nam Á, Đại học quốc gia Singapore; Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn - Chủ tịch Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS); GS. Stein Tonnesson - Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế, Oslo (PRIO), Na Uy; ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN…
Phiên thảo luận |
Về phía học giả trong nước có Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam,…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhận định: Trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa, chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hoá ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.
Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, chia sẻ: Tình hình Biển Đông thời gian qua có những biểu hiện đáng lo ngại, cạnh tranh nhiều khi lấn át hợp tác, luật pháp quốc tế có lúc có nơi không được tôn trọng, làm suy giảm lòng tin giữa các dân tộc trên Biển Đông. Hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này cũng như các cơ chế cần thiết để duy trì trật tự và pháp luật trên biển. Ở Biển Đông, không chỉ có vấn đề hòa bình, ổn định, mà cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, sinh kế của các cộng đồng ven biển, và tính bền vững của hệ sinh thái đại dương.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, đánh giá về các diễn biến gần đây, cùng phân tích những hệ lụy ở khu vực Biển Đông. Đồng thời, hội thảo cũng tập trung thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Gần 30 tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày hội thảo gồm 7 phiên: (1) Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử; (2) Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu? (3) Luật pháp quốc tế và Biển Đông (4) Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và triển vọng; (5) An ninh, chính trị và ngoại giao; (6) Tương tác và phối hợp trên biển; và (7) Cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.
Qua 2 ngày hội thảo, các diễn giả đã thảo luận tình hình trên Biển Đông ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ môi trường, chính trị, ngoại giao tới luật pháp, nhằm tìm kiếm các cơ hội, ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 là lần đầu tiên tổ chức một phiên riêng (phiên 6) dành cho đại diện hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển các nước chia sẻ các biện pháp tương tác và phối hợp trên thực địa nhằm tránh các tình huống va chạm bất ngờ và thúc đẩy hợp tác trên biển.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm trong phiên khai mạc |
Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị, các học giả, đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, tích cực, kêu gọi các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường biển, đăc biệt là các đề xuất củng cố, xây dựng an ninh biển trong khu vực, thực thi Luật Biển, hạn chế các tranh chấp trên Biển Đông,…
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 cũng đã khẳng định tác dụng của luật pháp quốc tế trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh hậu phán quyết của vụ kiện Philippines - Trung Quốc tại Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, ông Michael McDevitt, Chuẩn đô đốc về hưu, nghiên cứu viên cấp cao, Chương trình Nghiên cứu chiến lược, Trung tâm Phân tích hải quân (Hoa Kỳ) cho rằng, tình hình Biển Đông trong tương lai gần sẽ “yên ắng” và cơ bản ổn định.
Trên cơ sở đánh giá về những diễn biến gần ở Biển Đông, dự đoán xu thế vận động của tình hình Biển Đông trong năm 2017 và xa hơn nữa, GS Stein Tonnesson - Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế, Oslo (PRIO), Na Uy phân tích: Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có thể ảnh hưởng đến quan niệm về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn lực trên Biển, ông nói: “Theo tôi, Trung Quốc giờ đây nên từ bỏ quan niệm đó vì nó không được cộng đồng chấp nhận”.
Qua bảy phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp Biển Đông và triển vọng về các giải pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong khu vực. Bên cạnh các phiên làm việc chính, hội thảo dành riêng một phiên thảo luận đặc biệt cho nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình các lãnh đạo trẻ trình bày các ý tưởng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Phát biểu ý kiến bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về những diễn biến trong khu vực.
Đặc biệt, hầu hết ý kiến tham luận của các học giả và đại biểu tham dự đều kỳ vọng Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 sẽ đúc kết nhiều ý kiến tích cực trình Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc xây dựng một Luật Biển công bằng, nghiêm minh vì quyền lợi và sự phát triển chung của các nước trong khu vực...