Tuy nhiên, trên mặt bằng báo chí ở nước ta hiện nay, khái niệm tin tức “chuẩn hay” là không nhiều, điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do người viết báo đã không tạo ra được những bài viết “hay chuẩn” cho bạn đọc của mình.
Để có được một bài viết, cái tin vào thời điểm 20 năm trước đây, phóng viên hầu hết đều phải lặn lội, lăn xả đến tận hiện trường, nguồn tin và lao tâm khổ tứ ở văn phòng để viết bài. Bài viết xong tập hợp bản thảo từng xấp hoặc đánh máy đưa vào “đĩa đen” rồi gửi phát chuyển nhanh đi Hà Nội. Nhanh thì ba ngày, bình thường là một tuần thông tin mới tới tay đọc giả nhưng độ “chuẩn hay” của bài viết vẫn cao, tính thời sự vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, người làm báo thời ấy rất cực và viết bằng trách nhiệm, bù lại được bạn đọc yêu quý, thậm chí nể người làm báo.
Các phóng viên tác nghiệp trên mái nhà của dự án điện mặt trời áp mái ở Tây Ninh. Ảnh Thế Vĩnh |
Năm nay, người làm báo Việt Nam kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng. Có thể nói không một lĩnh vực nào có độ phân cực, biến đổi trạng thái nghề nghiệp nhanh như lĩnh vực báo chí. Cả nước hiện có hơn 900 đầu báo, mỗi tờ báo đều có báo online, báo hình, báo đa phương tiện. Báo nhiều nên sự cạnh tranh giữa các tờ báo gia tăng, báo còn phải cạnh tranh cả với truyền hình, mạng xã hội ngày càng khốc liệt. Riêng với phóng viên, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh loại “cùi bắp” là có đủ điền kiện để hành nghiệp dù ở bất cứ đâu, vô cùng tiện lợi và sự cạnh tranh giữa các đồng nghiệp với nhau cũng vô khốc liệt.
Để tồn tại trong một thế giới đầy tính cạnh tranh, các tòa soạn báo đều đặt ra tiêu chí là thông tin phải nóng, nhanh và độc quyền. Để có được điều này, tòa soạn đòi hỏi phóng viên phải nhanh chóng có thông tin sớm nhất và thời gian trở thành hòn đá tảng áp lực.
Tuy nhiên, chính yếu tố nhanh có thông tin để viết, để đăng báo đã bộc lộ yếu điểm trong từng bài báo được đăng, do thiếu sự chuẩn mực và độ sắc sảo về thông tin. Trong nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình chưa kết thúc nhưng không ít phóng viên đã có bài gửi về tòa soạn. Những bài báo “viết nhanh như gió” dù không có gì sai về mặt nghiệp vụ song những bài báo viết nhanh như vậy sẽ không có được sự sắc sảo về nội dung như những bài báo được ghi chép tỉ mỉ, chắt lọc thông tin kỹ mới viết.
Internet phát triển giúp cho phóng viên tiếp cận được thông tin nhiều chiều, nhiều nguồn tin, dễ tra cứu, trắc nghiệm lại thông tin thuận lợi nhưng không ít phóng viên đã lạm dụng, xem mạng là nguồn tin để viết báo. Không ít nhà báo không có nguồn tin, vô cùng ít nguồn cung cấp tin nhưng có khi 10-15 bài báo đã được "xuất bản" trong một tuần, những bài báo như vậy chắc chắn sẽ không “chuẩn hay” trong mắt độc giả được.
Trách nhiệm của người viết báo đối với độc giả là cung cấp tin tức mang tính thời sự nhưng phải chuẩn xác. Bởi vì bản chất của tin tức là không thể thêm bớt. Nhiều bài báo hiện nay thông tin đăng tải rất thiếu chính xác, thực tế điều này đã được nhiều độc giả phản hồi. Đưa thông tin thiếu chính xác lỗi do phóng viên, bởi người viết hoặc cố tình, hoặc lười, do không đủ lực để thẩm định độ chuẩn của thông tin ấy. Nhưng lỗi hoàn toàn của phóng viên thì “hơi oan” bởi thông tin thiếu độ chuẩn xác nó nằm ở nguồn tin, người cung cấp thông tin.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tin tức về chủ trương chính sách, thị trường, giá cả, nhu cầu của đối tác… được xem là tiền bạc. Mà thông tin cập nhật nhanh, chính xác, “chuẩn hay” là kênh báo chí, độc giả luôn tin như vậy. Độc giả ngày nay đòi hỏi người làm báo cần có cái tầm, cái tâm và bút lực luôn tinh thông để sàng lọc tin tức "hay chuẩn" và họ sẵn lòng gắn bó với báo chí. Và từ thực tế này, cuộc sống luôn đòi hỏi phóng viên phải luôn trong tâm thế “trách nhiệm” với nghề cầm bút của mình.