Hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính
Xây dựng thị trường carbon
Cụ thể, các mục tiêu và biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) được xây dựng cho 5 ngành chính gồm: Năng lượng, giao thông, các quy trình công nghiệp, xây dựng và chất thải.
CBAM có thể chiếm tới 20% giá thành của các sản phẩm sắt, thép xuất khẩu sang EU. Ảnh: Ngọc Sơn |
Tương ứng, các doanh nghiệp phát thải lớn trong 5 ngành này sẽ phải thực hiện kiểm kê KNK và các biện pháp giảm phát thải KNK. Nhằm giúp các doanh nghiệp đạt các mục tiêu giảm phát thải KNK một cách linh hoạt với chi phí thấp, Chính phủ đã quy định việc thiết lập và trao đổi hạn ngạch phát thải KNK (ETS) và tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon và thị trường carbon trong nước (Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon).
Bà Đặng Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn năng lượng và Môi trường (VNEEC) - cho biết: Trước tiên các doanh nghiệp, cơ sở phát thải lớn sẽ bắt buộc phải báo cáo và công bố thông tin và kế hoạch giảm phát thải KNK. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ bị áp mức trần phát thải kể từ năm 2028 (một số doanh nghiệp trong phạm vi thí điểm sẽ áp dụng từ năm 2025).
Đồng thời, để thực hiện các nghĩa vụ giảm phát thải và quyền giao dịch trên ETS, trước tiên doanh nghiệp cần kiểm kê KNK và đánh giá tiềm năng các biện pháp giảm phát thải KNK và chi phí thực hiện của doanh nghiệp so với mặt bằng công nghệ chung của ngành hay tiểu ngành của mình. Từ đó sẽ xây dựng chiến lược giảm phát thải KNK với chi phí hiệu quả nhất. Doanh nghiệp có thể quyết định tự đầu tư để giảm phát thải.
Theo đó, lộ trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam được thực hiện theo 3 giai đoạn chính với giai đoạn chuẩn bị kéo dài đến năm 2025.
Bà Hạnh cho hay, kinh nghiệm từ xây dựng và vận hành ETS của các nước cho thấy trong giai đoạn đầu số lượng doanh nghiệp tham gia hạn chế do cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý và vận hành, làm quen và thích ứng.
Với Việt Nam, dự kiến giai đoạn thí điểm (2025-2027) sẽ chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, thép và nhiệt điện sẽ bị áp hạn mức phát thải và được phép giao dịch trên ETS. Sau khi thị trường phát triển và vận hành chính thức kể từ năm 2028, số lượng doanh nghiệp và các bên tham gia sẽ được mở rộng.
Doanh nghiệp chịu tác động gì?
Cũng theo bà Hạnh, trước tiên các doanh nghiệp, cơ sở phát thải lớn bắt buộc phải báo cáo và công bố thông tin và kế hoạch giảm phát thải KNK. Sau đó các doanh nghiệp này sẽ bị áp mức trần phát thải kể từ năm 2028 (một số doanh nghiệp trong phạm vi thí điểm sẽ áp dụng từ năm 2025).
Theo xu thế của thế giới, việc thực hiện công bố các thông tin về phát thải KNK vừa là bắt buộc theo quy định quốc gia vừa là yêu cầu của các đối tác thương mại và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực hành và công bố kết quả kiểm kê KNK (tính toán dấu chân carbon) và giảm phát thải KNK là mới với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu tiếp tục xu thế như hiện nay, Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước xung quanh trong việc xuất khẩu hàng hóa, thậm chí thua ngay trên “sân nhà” khi nhận thức về biến đổi khí hậu của người tiêu dùng được nâng cao”- bà Hạnh khẳng định.
Ngành dệt may Việt Nam đã bị mất nhiều đơn hàng vào tay các doanh nghiệp Bangladesh, quốc gia vươn lên vị trí số 2 thế giới từ năm 2022 và tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2023.
Trước đó, ngày 13/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, một số hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Ước tính, CBAM có thể chiếm tới 20% giá thành của các sản phẩm sắt thép xuất khẩu sang EU khi CBAM có hiệu lực hoàn toàn.