Hành trình “vươn ra biển lớn”
Song, để có nhiều hơn những thương hiệu Việt mang quy mô toàn cầu, đã đến lúc chúng ta cần đổi mới cơ chế, chính sách liên quan OFDI.
Nhà máy sữa Driftwood của Vinamilk tại Mỹ. (Ảnh Minh Thi) |
Những dấu ấn đáng ghi nhận
Nhìn lại cả hành trình “vươn ra biển lớn” kể từ khi Nghị định 22/1999/NĐ-CP (Nghị định 22) quy định về OFDI của doanh nghiệp Việt Nam ra đời, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế ISC cho biết, hành trình có thể chia làm bốn giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (1999-2004), hoạt động OFDI của Việt Nam bắt đầu khởi động. Nghị định 22 đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai dự án OFDI. Giai đoạn 2 (2005-2010) là giai đoạn bùng nổ OFDI, sau khi Luật Đầu tư 2005 được thông qua và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về OFDI của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành.
Trong giai đoạn này, có 341 dự án đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 10,1 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn OFDI của Việt Nam. Giai đoạn 3 (2010-2016), OFDI tiếp tục duy trì ở mức cao, với 512 dự án còn hiệu lực. Giai đoạn 4 (2017-2022), OFDI của Việt Nam có xu hướng suy giảm, mặc dù số dự án OFDI tăng cao so giai đoạn trước nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 2,73 tỷ USD...
Theo TS Phan Hữu Thắng, suốt hơn 24 năm qua, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, mở rộng quan hệ cộng đồng, ngoại giao nhân dân… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Trên hành trình này, rất nhiều doanh nghiệp đã tạo lập, từng bước khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, và chung tay cùng bạn bè quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến khi nói tới OFDI của Việt Nam đó là Tập đoàn FPT (FPT) với mạng lưới 290 trụ sở, văn phòng, chi nhánh tại bốn châu lục, 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, là đối tác quan trọng của hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, đối tác công nghệ cấp cao của Airbus, Siemens, Microsoft, Amazon Web Services…
Doanh thu của FPT năm 2022 đạt 44.010 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài đóng góp 41,2%.
Năm 2022, FPT mở bốn văn phòng mới tại Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản và Thái Lan, sở hữu 31 dự án quy mô hơn 5 triệu USD, doanh số ký từ thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD.
Với Tập đoàn TH, hành trình OFDI chính thức có dấu ấn quan trọng khi TH đầu tư nông nghiệp quy mô lớn tại Nga (tháng 5/2016). Sau hơn bảy năm triển khai, Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD của Tập đoàn TH đã có những bước tiến quan trọng.
Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ, tại Nga, với tình cảm tri ân đất nước Nga vĩ đại và nhân hậu, TH đã triển khai dự án không ngừng nghỉ. Chúng tôi mong muốn các sản phẩm của TH tại Nga sẽ được người tiêu dùng tin yêu, đón nhận là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của nước Nga do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Tại Australia, TH cũng đang vững vàng vị trí doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất ở quốc gia này…
Tất cả mọi thứ không phải đều thuận lợi, nhưng với kinh nghiệm, thế mạnh chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và là thương hiệu Việt sở hữu nhiều sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, TH tự tin vững bước trên hành trình OFDI.
Thực tế, bức tranh đầu tư ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt cũng có đủ mọi gam mầu sáng tối. Tuy nhiên, điểm chung là chiến lược kinh doanh đều được các doanh nghiệp nghiên cứu sâu rộng trước khi triển khai để chủ động, kịp thời ứng phó tình hình địa chính trị biến động khó lường và phức tạp…
“Nhiệm vụ kép” trong hội nhập toàn cầu
Là người nhiều năm quản lý, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt trên hành trình “vươn ra biển lớn” tạo lập, khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế, thấu hiểu và chia sẻ cùng doanh nghiệp từng khó khăn, vướng mắc, TS Phan Hữu Thắng cho biết, OFDI là hành trình vô vàn gian khổ, khó khăn.
Bên cạnh những doanh nghiệp thành công, vững vàng khẳng định hình ảnh thương hiệu như: FPT, Viettel, Vinamilk hay TH… thì có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể bởi nhiều lý do như: không thể thích ứng, thiếu kiến thức về pháp luật, thông tin về thị trường… của nước sở tại.
Chính vì vậy, với mục tiêu cùng đạt hiệu quả trong thu hút FDI vào Việt Nam và đẩy mạnh OFDI của Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn về OFDI của Việt Nam. Đây là “nhiệm vụ kép” mà Việt Nam cần đạt được khi tiến hành hoạt động đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, phức tạp như hiện nay.
Đây không phải lần đầu tiên ông Thắng nhắc đến điều này. Còn nhớ, tại buổi ra mắt cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” được tổ chức vào ngày 31/5/2023, TS Phan Hữu Thắng, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng biên soạn cuốn sách này, nhận định, sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển, cố gắng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới là điều tất yếu.
Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang còn quẩn quanh với sự e ngại, tự ti về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mình. Thời gian qua, sự quá thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động OFDI đã làm giảm đi khát vọng “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt để phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu, làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả của OFDI.
Do đó, theo ông Phan Hữu Thắng, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thành công và cả thất bại trong OFDI của Việt Nam thông qua thực trạng đầu tư, các kết quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp… để từ đó có những nghiên cứu chuyên sâu và đề xuất giải pháp thích hợp.
Cụ thể như, các số liệu về OFDI được công bố đang thiếu các đánh giá cụ thể về doanh thu, thực trạng tài chính, thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp từ khoản OFDI… cho nên các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư khá khó khăn trong đánh giá được đầy đủ và toàn diện về thực trạng OFDI của doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này.
Ngoài ra, cần phân tích rõ khung khổ pháp luật về OFDI của Việt Nam cũng như các nước nhận đầu tư để chỉ ra thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp khi thực hiện OFDI sao cho phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030 và xa hơn nữa.