Khi phản đối hay yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu của bên thứ ba với lý do nhãn hiệu là bản sao hoặc chứa bản sao của tác phẩm được bảo hộ quyền theo Điều 73.7 Luật Sở hữu trí tuệ, hoặc yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền có thể phải đối mặt với ý kiến phản bác rằng tác phẩm (logo hay tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) được bảo hộ thực ra không có “tính nguyên gốc” - một điều kiện quan trọng để được bảo hộ bản quyền. Bên thứ ba có thể lập luận rằng: tác phẩm được bảo hộ bản quyền chứa nhiều yếu tố phổ biến, chung chung sẵn có hoặc được sử dụng thường xuyên, không thể tạo ra dấu ấn độc đáo cần thiết để phân biệt tác phẩm với những tác phẩm khác, do vậy, không đáp ứng tính nguyên gốc để được bảo hộ bản quyền; và/hoặc tác phẩm được bảo hộ gần giống hoặc về cơ bản giống với các tác phẩm (logo hoặc tác phẩm mỹ thuật) hiện có, hàm ý rằng tác phẩm được bảo hộ không phải là sản phẩm của sự sáng tạo độc lập mà có nguồn gốc từ các tác phẩm đã tồn tại; và/hoặc tác phẩm được bảo hộ không thể hiện đủ nỗ lực sáng tạo hoặc có đủ yếu tố mỹ thuật. Ngoài ra, bên thứ ba có thể cho rằng quá trình thiết kế chỉ là việc “lắp ghép” hoặc thay đổi các hình ảnh hoặc thiết kế hiện có hơn là tạo ra thứ gì đó mới; càng thêm phức tạp, nếu tác phẩm/logo chứa đựng các yếu tố thực hiện chức năng cụ thể, thì bên thứ ba có thể lập luận rằng những khía cạnh này không đủ điều kiện để được bảo hộ dưới dạng bản quyền.
Những thách thức này cho thấy tại sao việc chứng minh “tính nguyên gốc” của tác phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh luật bản quyền, là chưa bao giờ đơn giản và tốn nhiều nguồn lực.
Thiếu quy định về “tính nguyên gốc” trong Luật Sở hữu trí tuệ
Pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam thiếu định nghĩa về “tính nguyên gốc”, chỉ quy định gián tiếp tại Điều 14.3 rằng tác phẩm được bảo hộ phải có tính nguyên gốc (được tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác).
Việc thiếu định nghĩa rõ ràng về “tính nguyên gốc” trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đặt ra những thách thức đáng kể trong việc chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm do tính chất chủ quan và thiếu tiêu chí cụ thể để xác định khi nào một tác phẩm được coi là đã đáp ứng tính nguyên gốc. Sự mơ hồ này dẫn đến sự không chắc chắn về mặt pháp lý, đặt gánh nặng chứng minh lên người sáng tạo trong việc chứng minh tính độc đáo của tác phẩm của họ mà không có tiêu chuẩn luật định. Điều này làm gia tăng tranh chấp và kiện tụng do ranh giới bảo vệ bản quyền không rõ ràng, làm phức tạp việc thực thi của các cơ quan chức năng Việt Nam và gây khó khăn cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản về bản quyền.
Không chắc chắn trong việc xác định “tính nguyên gốc”
Việc thiếu tiêu chí làm cơ sở xác định “tính nguyên gốc” trong Luật Sở hữu trí tuệ, mặc dù Điều 14.3 Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu rằng tác phẩm được bảo hộ là tác phẩm do tác giả “trực tiếp” “sáng tạo” bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác, đặt ra những thách thức đáng kể. Một loạt các câu hỏi còn bỏ ngỏ như: (i) Làm thể nào (tiêu chuẩn nào) để đo lường/xác định một cách khách quan mức độ sáng tạo của tác giả? (ii) Thế nào là sự sáng tạo trực tiếp của tác giả? Pháp luật quy định tác phẩm phải do tác giả trực tiếp sáng tạo, nhưng làm thế nào để xác định và kiểm chứng tính trực tiếp này, đặc biệt là trong các tác phẩm hợp tác hoặc tác phẩm có lồng ghép các yếu tố tri thức phổ thông? (iii) Làm thế nào để có thể xác định chắc chắn rằng một tác phẩm không sao chép các tác phẩm hiện có? Khi thế giới đã bão hòa nội dung sáng tạo, việc đảm bảo rằng tác phẩm không phải là bản sao trở thành một thách thức. Mức độ tương tự nào là được phép so với tác phẩm có trước để tác phẩm có sau không bị coi là bản sao? và (iv) Mức độ sửa đổi nào làm cho tác phẩm phái sinh trở thành tác phẩm đáp ứng tính nguyên gốc? Nếu một tác phẩm được lấy cảm hứng từ hoặc dựa trên tác phẩm hiện có thì cần phải sửa đổi bao nhiêu để được coi là có tính nguyên gốc theo luật?
Nghĩa vụ chứng minh nặng nề
Để chứng minh tính nguyên gốc, chủ sở hữu bản quyền thường cần cung cấp bằng chứng một cách đầy đủ và toàn diện. Những bằng chứng này có thể bao gồm các bản dự thảo hoặc bản nháp ban đầu hoặc bất kỳ tài liệu nào khác có thể chứng minh quá trình sáng tạo của tác phẩm và chứng minh rằng nó không bị sao chép từ các tác phẩm hiện có. Việc thu thập và sắp xếp các bằng chứng này có thể tốn nhiều thời gian và không khả thi nếu các tài liệu đó không được lưu giữ cẩn thận ngay từ đầu.
Nếu bên thứ ba đưa ra lập luận để bác bỏ tính nguyên gốc của tác phẩm, đặc biệt là trong các trường hợp xâm phạm, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, để chứng minh ngược lại, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải tiến hành phân tích hoặc so sánh chi tiết tác phẩm được bảo hộ của mình với tác phẩm bị cáo buộc vi phạm. Điều này đòi hỏi sự đánh giá, nhận định mang tính chuyên môn và thẩm định chi tiết về cả logo đang tranh chấp và các tác phẩm nghi ngờ để xác định các yếu tố sáng tạo độc đáo. Thuê chuyên gia để thực hiện việc phân tích này có thể sẽ tốn kém không ít chi phí.
Nếu vấn đề leo thang thành một vụ kiện, quy trình này có thể trở nên tiêu tốn nguồn lực đáng kể. Gánh nặng pháp lý trong việc chứng minh tính nguyên gốc thuộc về chủ sở hữu bản quyền. Để xử lý vấn đề này, chủ thể quyền thường cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý, chuẩn bị một chiến lược pháp lý toàn diện, và có thể phải trải qua một quá trình kiện tụng kéo dài.
Tác phẩm mỹ thuật vốn dĩ mang tính chủ quan. Những gì người này coi là độc đáo và sáng tạo, thì trong con mắt của người khác có thể chỉ được coi là một phiên bản phái sinh hoặc không có ý nghĩa gì. Tính chủ quan này rõ ràng làm phức tạp thêm quá trình chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm.
Hạn chế rủi ro: Phải làm gì?
Trước những thách thức này, chủ sở hữu bản quyền nên tiến hành các bước một cách cẩn trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho những ý kiến phản bác từ bên thứ ba có thể xảy ra trong các tranh chấp về bản quyền. Chủ thể quyền nên áp dụng chiến lược dưới đây để chứng minh và bảo vệ tính nguyên gốc cho tác phẩm mỹ thuật:
(1) Ghi lại quá trình sáng tạo: Chủ sở hữu bản quyền nên lưu giữ hồ sơ chi tiết về quá trình sáng tạo của mình, bao gồm các bản dự thảo, bản nháp, ghi chú và những sửa đổi khác. Ngoài ra, ghi ngày tháng cho tất cả các tài liệu và nếu có thể, cần sử dụng các tệp kỹ thuật số có ghi rõ thời gian cụ thể để thiết lập dòng thời gian. Trong trường hợp quá trình sáng tạo bao gồm việc tìm kiếm ý tưởng hoặc thảo luận với người khác, cần ghi chú hoặc ghi lại biên bản các cuộc họp này.
(2) Thu thập bằng chứng về sự sáng tạo độc lập: Chủ sở hữu bản quyền cần chỉ ra tác phẩm mỹ thuật được phát triển độc lập như thế nào chứ không phải được sao chép từ các nguồn hiện có. Điều này có thể bao gồm bằng chứng nghiên cứu, phát triển ý tưởng và sự phát triển của quá trình thiết kế.
(3) Thể hiện mức độ sáng tạo tối thiểu: Chủ sở hữu bản quyền cần minh họa cách tác phẩm mỹ thuật kết hợp các lựa chọn sáng tạo, dù nhỏ đến đâu. Điều này có thể liên quan đến việc lựa chọn màu sắc, sắp xếp các yếu tố hoặc điều chỉnh các thiết kế thông thường theo cách riêng biệt.
(4) Chuẩn bị phân tích so sánh: Nếu chủ sở hữu bản quyền cho rằng ai đó vi phạm bản quyền, hãy chuẩn bị một bản so sánh song song để chứng minh những điểm tương đồng ("điểm tương đồng đáng kể") giữa tác phẩm được bảo hộ và tác phẩm bị cáo buộc vi phạm. Việc so sánh cho phép chủ sở hữu bản quyền tập trung và làm nổi bật các yếu tố cụ thể của tác phẩm được bảo vệ theo luật bản quyền. Điều này bao gồm các đặc điểm thiết kế độc đáo, màu sắc, hình dạng và bất kỳ lựa chọn sáng tạo nào có nguồn gốc từ tác phẩm được bảo hộ.
(5) Tận dụng đăng ký bản quyền: Mặc dù không bắt buộc để được bảo vệ bản quyền, nhưng việc đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền Việt Nam có thể mang lại lợi thế về mặt pháp lý. Việc đăng ký sẽ tạo ra một hồ sơ công khai về bản quyền của chủ sở hữu và có thể hữu ích trong các thủ tục pháp lý.
Áp dụng những bước khuyến nghị trên, chủ sở hữu bản quyền sẽ có thể tạo dựng một cơ sở vững chắc để chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách hiệu quả tại Việt Nam.
Lời kết
Việc chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và logo trong bối cảnh luật bản quyền của Việt Nam không chỉ phức tạp mà còn đòi hỏi sự nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi bên thứ ba sao chép tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và logo để đăng ký làm nhãn hiệu và sử dụng quyền đã xác lập đối với nhãn hiệu để chống lại chủ sở hữu đích thực, việc chứng minh tính nguyên gốc hoàn toàn có thể thực hiện được với các chiến lược phù hợp như đã gợi ý ở trên.
Những bước tiếp cận đề cập ở trên không chỉ giúp chủ sở hữu bản quyền chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các ý kiến phản bác từ bên thứ ba mà còn tăng cường khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Việc chứng minh tính nguyên gốc không chỉ là điều kiện quan trọng để được bảo hộ bản quyền mà còn là yếu tố then chốt trong việc giải quyết các tranh chấp và xung đột, đặc biệt khi đối mặt với hành vi sao chép và đăng ký nhãn hiệu không trung thực.