Theo ghi nhận, mua sắm hàng Việt đã thành thói quen của người dân trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là ở vùng nông thôn, bởi giá cả, chất lượng và mẫu mã ngày càng phong phú. Qua 10 năm, hiệu ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Có nhiều chuyến hàng Việt được đưa về vùng nông thôn trong nhiều năm qua được bà con nhất là các vùng miền núi hưởng ứng |
Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh và các chợ truyền thống trên địa bàn có rất nhiều hàng hoá là hàng Việt. Điều này cho thấy, người dân đang có xu hướng ưu tiên lựa chọn, sử dụng những mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Chị Bích Việt (TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Trong nhà chị có bố mẹ và 2 con nhỏ đang tuổi phải dùng sữa nên chị ưu tiên dùng các sản phẩm sữa của Việt Nam như TH, Vinamilk… Sữa Việt bây giờ chất lượng đảm bảo, mẫu mã bắt mắt và đặc biệt có các sản phẩm cho mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già nên càng dễ lựa chọn, giá cả lại khá phù hợp…”.
Chị Mỹ chủ tiệm tạp hoá ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói: “Người tiêu dùng nông thôn chủ yếu mua hàng Việt. Vì rẻ hơn hàng ngoại nhiều lần trong khi chất lượng nhiều mặt hàng tương đương nhau, mẫu mã các doanh nghiệp trong nước có cải tiến nhiều. Hầu hết khách hàng đều thấy yên tâm, hàng hoá có nhãn mác đầy đủ, giá thành lại hợp lý với túi tiền và việc chi tiêu của gia đình khu vực nông thôn”. Với nhiều người, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt không còn là lời kêu gọi mà dần trở thành thói quen.
Trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 78% người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn hàng Việt |
Nhân viên marketing, Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, cho biết: “Tại siêu thị, hàng Việt Nam luôn mang về doanh thu lớn nhất. Người dân khi đến mua sắm tại đây cũng luôn tin tưởng lựa chọn các sản phẩm trong nước. Đặc biệt, nhờ thị trường rộng mở, hàng hoá sản xuất trong nước chất lượng ngày càng được nâng cao, mẫu mã hút mắt”.
Với người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được chỗ đứng qua các phiên chợ hàng Việt, chuyến hàng Việt về nông thôn, điểm bán hàng Việt… Nhiều cuộc thi, mít tinh, tuyên truyền như: “Tuổi trẻ Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt”, “Ấn tượng doanh nhân”, “Người Hà Tĩnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong người dân.
Tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, bình ổn giá cả thị trường nhân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cho các mặt hàng là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với mức hỗ trợ mỗi năm từ 300 triệu đến gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho các DN thuê địa điểm bán hàng Việt; lồng ghép hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng cho các phiên chợ hàng Việt về nông thôn từ nguồn khuyến công quốc gia…
Với người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được chỗ đứng qua các phiên chợ hàng Việt, chuyến hàng Việt về nông thôn, điểm bán hàng Việt... |
Sự đồng hành của cả hệ thống chính trị đã góp phần khích lệ các DN đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh, buôn bán các sản phẩm sản xuất trong nước. Trong 10 năm qua, các DN đã tổ chức hàng nghìn chuyến đưa hàng Việt về các khu tái định cư, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh: "Với sự nỗi lực, đồng hành của các cấp, ngành, DN, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng Hà Tĩnh đã có sự thay đổi đáng kể. Sức mua hàng Việt ở các chợ nông thôn, các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục tăng trưởng, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Qua điều tra và nắm bắt thông tin, có trên 78% người tiêu dùng mua sắm hàng hoá được sản xuất trong nước, trong tỉnh. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, “tiếp sức” cho các DN, cơ sở sản xuất trong nước đầu tư thiết bị hiện đại, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, bắt kịp xu thế mới của thị trường…".
Hàng năm, các DN lớn ở Hà Tĩnh đã tổ chức gần 20 “Phiên chợ hàng Việt” tại các xã vùng biên giới và nông thôn như Hương Khê, Vũ Quang… với số lượng tham gia từ 25 - 45 gian hàng/phiên. Các phiên chợ thu hút nhiều thương hiệu và sản phẩm Việt uy tín được sản xuất tại Hà Tĩnh, góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng như nhận thức của DN đối với thị trường nội địa. |