Thứ sáu 29/11/2024 10:35

Gỡ khó cho xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng

Nếu như được đầu tư đúng mức, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.
Công chức Hải quan Ga Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn kiểm soát chủng loại hàng hóa thông quan qua cửa khẩu ga. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng,tỉnh Lạng Sơn nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn có diện tích khoảng 56.000m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung đường sắt, bãi hóa trường... Đây là một ga đặc biệt quan trọng kết nối với Trung Quốc và là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội)-Đồng Đăng.

Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng từ những năm 1990, đến nay cơ sở hạ tầng cửa khẩu ga Đồng Đăng đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động của ga cũng như hoạt động biên mậu qua cửa khẩu này.

Những rào cản

Thời điểm năm 2022, khi một số cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn cũng như trên cả nước tạm ngưng hoạt động xuất nhập khẩu do các chính sách biên mậu thì tại cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, hoạt động thông quan hàng hóa lại diễn ra cực kỳ sôi động.

Thống kê của Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóaở tất cả các loại hình qua cửa khẩu ga Đồng Đăng đạt trên 289,5 triệu USD; tổng số thu thuế xuất nhập khẩu đạt trên 463 tỷ đồng, vượt 226% kế hoạch giao trong năm và tăng 70% so với năm 2021.

Tuy nhiên, việc thông quan qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng được các doanh nghiệp lựa chọn chỉ là giải pháp tạm thời trong thời điểm các cửa khẩu đường bộ tạm ngưng hoạt động.

Tính đến hết quý 3/2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình qua đây đều giảm sút với kim ngạch khoảng 87,2 triệu USD; tổng số thu thuế xuất nhập khẩu đạt gần 105 tỷ đồng, chỉ đạt 29% so với kế hoạch giao trong năm và giảm 73% so với năm 2022.

Đại diện cho doanh nghiệp trước đây từng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, bà Dương Thu Hương, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Tiến Khanh cho hay, mặc dù xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt có lợi thế như quá trình vận chuyển thông suốt, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác... song qua trao đổi cùng với một số doanh nghiệp khác thì đa số đều chuyển hướng sang xuất nhập khẩu ở cửa khẩu đường bộ bởi các cửa khẩu đường bộ là lựa chọn truyền thống. Mặt khác cửa khẩu ga Đồng Đăng hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ logistic cho doanh nghiệp.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn Mỗ Hoàng Đại cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn, thu hút và giữ chân doanh nghiệp. Song rào cản lớn ở đây chủ yếu vẫn là do cơ sở hạ tầng của ga chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu.

Qua tìm hiểu, hiện tại ở cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng chỉ có một địa điểm kiểm tra giám sát hàng hóa là bãi hóa trường do Chi nhánh ga Đồng Đăng quản lý, khai thác; bãi hóa trường này không phải là kho bãi, địa điểm do doanh nghiệp đầu tư xây dựng được Tổng cục Hải quan công nhận hoạt động theo quy định.

Khu vực bãi chứa hàng hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu không có tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh nên không đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Hàng hóa xuất nhập khẩu lưu tại cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ngoài ra, lối vào bãi không được trang bị hệ thống barie kiểm soát phương tiện. Trong khu vực bãi hóa trường không bố trí lối ra vào riêng để sử dụng tách biệt giữa khu lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh với hàng nội địa.

Đặc biệt, tuyến đường bộ kết nối từ tuyến quốc lộ vào ga không đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa ra vào. Cùng đó là tuyến đường sắt từ ga Đồng Đăng kết nối tới ga Gia Lâm (Hà Nội) và đến các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Nam để chở hàng hóa gặp khó khăn do khác khổ đường sắt, dẫn đến doanh nghiệp phải sang tải, chuyển tàu, tăng chi phí bốc xếp, kho bãi...

Lại chậm do vướng mắc về mặt bằng

Theo Chi nhánh ga Đồng Đăng thông tin, ga được xây dựng từ năm 1992 đến nay việc bảo trì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển ngày càng cao của xã hội.

Phó Giám đốc Chi nhánh ga Đồng Đăng Tạ Duy Hiển cho biết, trong ga hiện có 9 đường sắt có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm. Mặc dù ga Đồng Đăng có thể chứa được khoảng 140 toa tàu, tuy nhiên các đường ray chứa toa trong ga lại rất ngắn; chiều dài lớn nhất chỉ có thể chứa được khoảng 25 toa tàu hàng là không thể đáp ứng được yêu cầu nếu như tình hình xuất nhập khẩu tăng cao. Thậm trí thời điểm năm 2022, ga Đồng Đăng còn phải điều độ tàu vào những ga lân cận để giảm tải.

Từ những khó khăn trên, Chi nhánh ga Đồng Đăng và Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đã có những báo cáo, văn bản liên quan về hiện trạng cũng như kiến nghị đầu tư cơ sở hạ tầng cho ga Đồng Đăng; cùng với đó lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng đã có những cuộc làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn đang là rào cản không nhỏ đến việc vận hành và xuất nhập khẩu qua ga Đồng Đăng.

“Giữa năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực ga Đồng Đăng, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thiện, qua đó giúp cải thiện hoạt động vận hành của ga cũng như nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp đến với ga. Tuy nhiên tiến độ dự án đang khá chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng,” đại diện Chi nhánh ga Đồng Đăng thông tin thêm.

Không chỉ đầu tư riêng về cơ sở hạ tầng, các cấp có liên quan cũng cần quan tâm nghiên cứu, xem xét, tính toán và có cơ chế đặc thù đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tờ khai qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng; cùng với đó là việc định hướng để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic, vận tải, bốc xếp hàng hóa được đầu tư phát triển dịch vụ tại khu vực cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng.

Nếu như được đầu tư đúng mức, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.

Đây sẽ là cửa ngõ đặc biệt cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và giao thương hàng hóa không chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn mà còn giữa khu vực Đông Bắc Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại./.

Theo vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

AB InBev Việt Nam cam kết đầu tư vào tương lai bền vững

Mời tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh 2024

Năm 2024 PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

Hợp tác kinh tế, thương mại trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Israel

Canada khởi xướng rà soát ghế bọc đệm nhập khẩu từ Việt Nam

Loạt triển lãm trong lĩnh vực Công Thương khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh

'Kết tinh' giá trị xuất khẩu từ những thương hiệu lớn

Phát triển thương mại điện tử: Cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững

Australia và Brazil là 2 thị trường nhập khẩu quặng và khoáng sản lớn nhất của Việt Nam

Khai mạc Triển lãm SFS 2024: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

‘Bắt bệnh’ sức cạnh tranh của cá tra Việt

Xuất khẩu gạo: Lo ngại gặp khó tại thị trường trọng điểm

Gia Lai: Tăng cường hạ tầng dịch vụ logistic hỗ trợ cho thương mại điện tử

Thúc đẩy thương mại số cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam

Canada khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc từ Việt Nam

Hội thảo 'Phát triển thương mại điện tử trong kỷ nguyên số' năm 2024

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu sản phẩm Việt

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024

90% doanh nghiệp do nữ lãnh đạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ