Chủ nhật 22/12/2024 14:16

Giữ hồn gốm Bàu Trúc

Phát huy kỹ thuật làm gốm cổ truyền độc đáo, người Chăm ở làng gốm cổ Bàu Trúc đang ra sức gìn giữ, bảo tồn giá trị của di sản này gắn với phát triển kinh tế.

Làm gốm bằng cách... đi giật lùi

Nụ cười tươi rói trên khuôn mặt, dáng đi nhanh nhẹn, bà Trượng Thị Gạch (80 tuổi), nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng gốm Chăm Bàu Trúc, say sưa biểu diễn nghệ thuật làm gốm cho du khách và giải đáp thắc mắc khi cần.

Dù đã nhiều tuổi, nhưng việc khéo léo dùng tay kéo nặn hình vừa đi giật lùi của bà Trượng Thị Gạch khiến nhiều người nghĩ bà chỉ tầm 60 tuổi, khác xa với độ tuổi thật. Hơn 65 năm làm gốm, đến nay, dù tuổi đã cao, bà Gạch vẫn luôn gắng sức giữ gìn nghệ thuật làm gốm Chăm như “báu vật” và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Cụ Trượng Thị Gạch biểu diễn kỹ thuật làm gốm Chăm.

Nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 10 km, về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước) là một trong những làng gốm Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á tồn tại đến ngày nay, có tuổi đời hơn 800 năm.

Theo bà Gạch, nghề làm gốm ở đây được “mẹ truyền con nối”. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời làm gốm và lưu truyền đến nay. Bà Gạch được mẹ cho làm quen với nghệ thuật làm gốm từ năm 15 tuổi, đến nay đã có thâm niên 65 năm làm nghề.

Theo bà, một trong những điều làm nên tên tuổi của gốm Bàu Trúc chính là gốm Chăm được làm thủ công, không dùng bàn xoay để tạo hình mà chủ yếu nhờ đôi tay khéo léo của nghệ nhân để thổi hồn vào đất. Đây cũng là nét độc đáo thể hiện sự tinh tế, chịu khó của phụ nữ Chăm. Để làm gốm, người phụ nữ sẽ đi lùi xung quanh trụ hình tròn, xoa nặn khối đất để tạo hình sản phẩm. “Đồ nghề chế tác rất đơn giản, mộc mạc thô sơ như vòng quơ, vòng cạo, vỏ sò, vải để hoàn thiện sản phẩm…” - bà Gạch chia sẻ.

Cách nhào nặn gốm trên bàn kê cố định mà không dùng bàn xoay cuốn hút du khách.

Đến làng gốm Bàu Trúc, du khách được xem các nghệ nhân biểu diễn, tạo hình gốm với bàn tay điêu luyện, những thao tác kỹ thuật thật đẹp mắt. Đặc biệt, du khách có thể tự tay làm cho mình những sản phẩm gốm đơn giản, tự vẽ hoa văn và thử nung trên lửa... để trải nghiệm cảm giác như một nghệ nhân làm gốm thực thụ.

Được biết, do cách nặn gốm khác lạ, thợ gốm phải xoay quanh khối nguyên liệu theo chiều đi giật lùi nên công việc này khá nặng nhọc, mỗi ngày làm việc người thợ phải đi lùi khoảng 10km.

Gìn giữ nghề gốm trăm năm

Tương truyền, tổ nghề gốm Poklong Chanh chỉ truyền nghề cho phụ nữ Chăm, đó là lý do nghề làm gốm vất vả nhưng khi bước chân vào làng, du khách chỉ thấy những người thợ nữ trộn, nhào đất, tạo hình, trang trí hoa văn... rất ít có bóng đàn ông lẫn vào.

Ông Phú Hữu Minh Thuần - Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ, trước đây, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Theo thời gian, người làm gốm Bàu Trúc cũng linh hoạt chế tác ra các sản phẩm phù hợp thị trường, có những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng đến cả tấn nên nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và tham gia làm sản phẩm.

Nghệ nhân Đàng Thị Trang cho hay, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước bằng những cơ chế kịp thời, sát với điều kiện thực tế, trong thời gian qua, nhiều người trẻ học hành đến nơi đến chốn, đã đi làm ăn xa, nay cũng trở về làng nối nghề gốm ông bà để lại, thêm trân trọng những giá trị tinh hoa nghề truyền thống được bao thế hệ người Chăm ra sức giữ gìn.

Hiện nay, nghề làm gốm đang trở thành một kế sinh nhai cho rất nhiều hộ gia đình. Làng gốm Bàu Trúc có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương. Hiện làng đã có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 12 nghìn sản phẩm các loại. Hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm vẫn được lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm.

Vì được làm hoàn toàn bằng tay, mỗi sản phẩm gốm ở Bàu Trúc khi ra lò luôn là 'độc bản', chứa đựng rất nhiều công sức và tâm huyết của nghệ nhân.

Để phục vụ du khách, làng gốm Bàu Trúc đã thành lập Ban phát triển du lịch cộng đồng với trên 60 thành viên. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân địa phương, làng gốm Bàu Trúc đang dần được du khách thập phương tìm đến, góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm nơi đây.

Ông Võ Minh Tân – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận – cho biết, sau khi được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, địa phương đã triển khai các kế hoạch nhằm phát huy, bảo tồn những giá trị di sản gốm Chăm Bàu Trúc. Hiện nay, tỉnh đang triển khai những kế hoạch, trong đó tập trung công tác truyền đạt, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, thành lập hội, nhóm trình diễn, phục vụ khách du lịch khi đến địa phương. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng thiết chế tại làng nghề này để phục vụ trong thời gian đến.

“Sau khi được UNESCO ghi danh, người dân tại làng nghề nói riêng và toàn huyện Ninh Phước nói chung rất tự hào. Đây cũng là một trong những điểm nhấn để người dân tiếp tục phát huy giá trị của làng nghề, phục vụ phát triển du lịch”, ông Tân nói.

Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Ninh Thuận

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức

Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm 2024: Thu hút đầu tư du lịch khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ

Bố Trạch - Quảng Bình: Tính dụng chính sách “chủ công” hỗ trợ hộ nghèo

Thừa Thiên Huế: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”

Du khách sẽ được tham dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hoá các dân tộc

Lễ hội Hết Chá răn dạy con người biết sống có tình, có nghĩa

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cor gần gũi với thiên nhiên

Nét duyên trong trang phục phụ nữ dân tộc Lào vùng Tây Bắc

Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4