Giảm tỷ USD trong tháng 1, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 55 tỷ USD bị thách thức?
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 3,73 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp tháng 1 năm nay giảm 1,07 tỷ USD.
Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều ghi nhận mức giảm mạnh từ 16,8% cho đến 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 1, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 806 triệu USD nhưng giảm tới 48,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thuỷ sản đạt 457,2 triệu USD, giảm 47,3%; cà phê ước đạt 310,4 triệu USD, giảm 38,1%; rau quả đạt 242 triệu USD, giảm 16,8%; gạo đạt gần 186,6 triệu USD, giảm 24,1%; hạt điều đạt 155,8 triệu USD, giảm 33.8%.
Các mặt hàng chè, sắn và sản phẩm sắn, hạt tiêu kim ngạch xuất khẩu có mức giảm lần lượt là 22,3%, 17,1% và 41,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN-PTNT, các mặt hàng chủ lực ngành nông nghiệp xuất khẩu giảm mạnh trong tháng một là bởi có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời chịu tác động lạm phát từ thị trường thế giới nên gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu.
Dù vậy, trao đổi với PV. VietNamNet, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vẫn lạc quan về xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong năm 2023.
Theo ông Tiến, năm ngoái ngành nông nghiệp có 7 nhóm hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Năm nay, vẫn có thể phát được những lợi thế từ các nhóm hàng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Ông dẫn chứng, ở ngành lâm nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm ngoái đạt gần 16 tỷ USD, năm nay có thể đẩy mạnh xuất khẩu viên nén gỗ, dăm gỗ. Đây là hai mặt hàng rất tiềm năng, dự kiến trong thời gian tới có thể thu về thêm 3,5 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ.
Tương tự, các mặt hàng tôm, cá tra sẽ nâng cao sản lượng để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Hay như xuất khẩu rau quả chúng ta có lợi thế lớn về sản lượng, năm vừa qua ký nhiều nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch. Việt Nam có lợi thế khoảng cách địa lý, quảng đường vận chuyển hàng hoá sang Trung Quốc gần. Đặc biệt, đầu năm nay Trung Quốc mở cửa trở lại sau một thời gian dài thực hiện Zero Covid nên hoạt động xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn trước rất nhiều, ông nhấn mạnh.
Ông Tiến cho rằng, năm nào cũng có khó khăn và thách thức. Năm 2022, ngành nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản vẫn lập kỷ lục. Thế nên, với kinh nghiệm hội nhập trong những năm qua, ông tin rằng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt mục tiêu 55 tỷ USD.