Giá hồ tiêu tăng nhanh hơn giá vàng, xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng thu về tỷ USD
Giá hồ tiêu tăng nhanh hơn giá vàng
Cứ đầu giờ sáng, trên khắp các diễn đàn hồ tiêu, giá mặt hàng này luôn là chủ đề nóng. “Giá hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng 600 USD/tấn, bà con trồng hồ tiêu chờ vài ngày nữa nhé”! Giá tiêu hiện tại có nơi bán 144.000 đồng/kg, 155.000 đồng/kg, cả nhà đừng hoang mang nhé!
Có thể thấy, “vàng đen” của Việt Nam đang nóng như giá vàng trong suốt thời gian qua.
Giá hồ tiêu đã lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – cho hay, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2024, giá hồ tiêu liên tục tăng, thậm chí sáng một giá, chiều một giá, điều chỉnh như giá vàng.
Cụ thể, những ngày giữa tháng 5/2024, giá hồ tiêu ở mức 120.000 đồng/kg thì những ngày cuối tháng 5, giá hồ tiêu lên mức 127.000 – 129.000 đồng/kg. Cập nhật đến ngày 5/6, giá hồ tiêu gần chạm mốc 150.000 đồng/kg.
Có lẽ sau đợt tăng giá mạnh vào cuối năm 2015 ở mức 230.000 đồng/kg sau đó giảm thê thảm xuống con số 34.000 đồng/kg và duy trì mức thấp trong một thời gian dài thì việc giá hồ tiêu bật lên mức gần 150.000 đồng/kg là niềm phấn khởi của không ít nông dân trồng loại nông sản “vàng đen” này.
Về nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng mạnh, theo ông Hoàng Phước Bính, sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác. Mặt khác, ở Việt Nam, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay không đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Cung không đủ cầu nên giá tăng cao.
Còn theo bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nhiều năm trước, giá tiêu liên tục lao dốc khiến nhiều hộ trồng tiêu đã giảm một nửa diện tích, nhiều vườn lâu năm chặt bỏ, trồng sầu riêng và một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn khiến nguồn cung sụt giảm.
Giá hồ tiêu tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD giảm cùng diễn biến thị trường vận tải biển vẫn căng thẳng gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty CP Dh Foods - cho biết, ngoài những yếu tố khách quan nêu trên cũng có khả năng do hoạt động đầu cơ, thương lái và nhà đầu tư đã gom hàng và tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy giá hồ tiêu lên cao.
Với mức giá hiện nay đang cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, và đạt mức cao nhất 8 năm qua khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp không mua được hàng trong khi đó, giá vẫn cứ tiếp tục được đẩy lên.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group - cho rằng, giá hồ tiêu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp không mua được hàng vì nông dân trữ chờ giá tăng thêm. Điều này đang tạo áp lực lên một số doanh nghiệp phải gom đủ hàng cho đối tác.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng cho hay, họ cũng đang sản xuất cầm chừng số nguyên liệu dự trữ trong kho gần cạn và cân nhắc nhập với số lượng vừa đủ vì giá hồ tiêu tăng quá nhanh.
Giá hồ tiêu nhận định sẽ vượt đỉnh
Ngành hồ tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo VPSA, quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% đoạn 2024 - 2032.
Bà Hoàng Thị Liên cũng nhận định, với tình hình hiện tại, sản lượng hồ tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, vì vậy, giá hồ tiêu vẫn có xu hướng tăng trong 3 - 5 năm tới.
Đồng quan điểm về việc này, ông Hoàng Phước Bính cho hay, diện tích hồ tiêu vẫn giảm do già cỗi, người dân chuyển đổi cây trồng. Trong khi, thời điểm này chưa trồng mới thì 4 năm nữa vẫn chưa thể tăng được sản lượng. Do đó, hồ tiêu sẽ duy trì tình trạng khan hiếm cung.
Nói về nhận định giá có thể đạt đỉnh mới 350.000 - 400.000 đồng/kg, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, rất có thể hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, thông thường chu kỳ này sẽ kéo dài trong 10 năm và mức giá 350.000 - 400.000 đồng/kg là dự báo cho 10 năm tới. Trong khoảng thời gian này, giá hồ tiêu vẫn sẽ có những đợt điều chỉnh rung lắc.
Thống kê bộ sơ bộ của VPSA, trong tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu được 31.357 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch xuất khẩu đạt 141 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen trong tháng 5 đạt 4.542 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.106 USD/tấn, tăng 229 USD đối với tiêu đen và 63 USD đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Tính chung, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 114.424 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 493,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 13,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 5 tháng năm 2023.
5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% và so cùng kỳ tăng 44,4%. Đức vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam đạt 7.532 tấn, chiếm 6,6% và tăng 103,2%. Một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng ấn tượng như: Italia tăng 179,0%; Nga tăng 49,7%; Tây Ban Nha tăng 49,1%; Ai Cập tăng 39,0%…
Giá hồ tiêu trong nước tăng đẩy giá hồ tiêu xuất khẩu tăng, các chuyên gia kỳ vọng ngành hồ tiêu kỳ vọng sẽ thu về tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù vậy, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trên thị trường thế giới, dự báo giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại.
Giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa tăng mạnh do nguồn cung hạn chế, cầu tăng mạnh. Mặc dù giá hồ tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng cơ quan quản lý khuyến cáo không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định. Với các doanh nghiệp, VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng trong hoạt động thu mua và xuất khẩu để tránh gặp rủi ro tương tự như giá cà phê, hay lúa thời gian qua.