EVFTA: Linh hoạt xuất xứ với một số ngành hàng xuất khẩu
EVFTA là cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường khối EU |
Lợi thế cho dệt may, thủy sản
Thông tư số 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định xuất xứ hàng hóa trong EVFTA gồm xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy. Trong đó, xuất xứ thuần túy là hàng hóa có nguyên liệu và được sản xuất tại các nước thành viên tham gia hiệp định. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, chỉ có thể được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi cơ bản, hạn mức nguyên liệu, công đoạn gia công, chế biến.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), QTXX trong EVFTA không hoàn toàn mới nhưng khá phức tạp, bởi được xây dựng và đàm phán dựa trên QTXX trong cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đáng lưu ý, EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU được cộng gộp xuất xứ. Như nhóm hàng dệt may, được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản (do 2 quốc gia này có hiệp định thương mại tự do với EU). Hay nhóm hàng thủy sản, được phép cộng gộp, sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.
QTXX cộng gộp đã giúp giảm bớt một phần áp lực về tiêu chí nguyên phụ liệu và gia tăng xuất khẩu sang EU. Theo Bộ Công Thương, tính từ ngày 1/8/2020 - 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. DN xuất khẩu thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Giá trị hàng hóa được cấp C/O cũng như được chứng nhận xuất xứ vào EU không nhỏ, cho thấy DN trong nước đã và đang bắt nhịp áp dụng QTXX trong EVFTA.
Chủ động nguồn cung ứng
Theo các chuyên gia, QTXX trong EVFTA là khá chặt, việc đáp ứng vẫn là thách thức với DN, ngay cả với DN nhóm ngành dệt may và thủy sản. Với dệt may, hiện 60% nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu được nhập khẩu từ Trung Quốc và không được hưởng ưu đãi thuế quan. Với nhóm hàng thủy sản, các cam kết trong hiệp định làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Việc tuân thủ các quy tắc này có thể làm tăng chi phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, áp lực này sẽ khiến DN trong nước nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất, chế biến sâu, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để đáp ứng QTXX và hưởng ưu đãi từ hiệp định.
Để đồng hành cùng DN, thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi hiệp định, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giày xây dựng chiến lược phát triển. Mục tiêu ưu tiên là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, phát triển khâu thiết kế. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ DN Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU. Thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện QTXX, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.
EVFTA được nhận định là cánh cửa đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường khối EU tiềm năng với khoảng 500 triệu dân, mức thu nhập bình quân đầu người trên 32.000 USD/năm. |