Đưa hàng Việt tới người dân các huyện ngoại thành
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thăm gian hàng bánh mứt kẹo tại Trung tâm bán hàng Việt phục vụ Tết Bính Thân huyện Thanh Trì |
Phục vụ người dân ngoại thành và công nhân khu công nghiệp
Nhằm bảo đảm nhu cầu mua sắm Tết của người dân, góp phần bình ổn thị trường, từ ngày 27/1 đến 5/2/2016, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại 9 quận, huyện ngoại thành. Theo ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội, 9 trung tâm bán hàng Việt phục vụ Tết có quy mô 1.500-2.000 m2/điểm, tương đương với 50-70 gian hàng tiêu chuẩn tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Trì, Phú Xuyên và Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh).
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tối ngày 27/1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức lễ khai mạc Trung tâm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trung tâm bán hàng này có quy mô hơn 70 gian hàng của 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu bán các mặt hàng bình ổn giá, các sản phẩm tiêu dùng, hàng thiết yếu, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm… phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết. Cũng trong ngày 27/1, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khai trương 3 điểm bán hàng Tết tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm với quy mô gần 300 gian hàng của 80 doanh nghiệp.
Từ ngày 1 - 5/2/2016, các trung tâm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cũng được mở tại Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Trì, Phú Xuyên, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Mỗi trung tâm hơn 70 gian hàng, với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu người dân tại các huyện và công nhân khu công nghiệp mua sắm hàng hóa.
Hàng Việt được người dân tin dùng mua sắm phục vụ nhu cầu dịp Tết |
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân trên địa bàn Hà Nội đạt 21.610 tỷ đồng. Thông qua Chương trình bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, ngành Công Thương Thủ đô tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, công nhân khu công nghiệp mua sắm các hàng hóa thiết yếu; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa, và góp phần bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Bà Lan chia sẻ, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình phải cung ứng hàng hóa tại các trung tâm bán hàng phục vụ Tết bảo đảm chất lượng, giá cả ổn định, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân các khu công nghiệp và nhân dân các huyện xa trung tâm nội thành.
Hàng Việt tạo được niềm tin với người tiêu dùng
Tham gia Chương trình bán hàng Tết năm 2016 là các đơn vị sản xuất, kinh doanh uy tín của thành phố Hà Nội như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart), Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam, Công ty TNHH 1 thành viên Lan Chi, Công ty Cổ phần thực phẩm Hữu Nghị, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế, Công ty TNHH Trung Thành, Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương, Công ty Cổ phần đồ chơi an toàn Việt Nam, Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại An Việt, Hợp tác xã áo dài Trạch Xá, nước mắm Thanh Hóa… Tham gia chương trình là các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng tốt, tập trung chủ yếu vào nhóm lương thực, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, giày dép, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền...
Theo bà Trần Thị Phương Lan, chương trình ưu tiên chọn những doanh nghiệp lớn có tên tuổi và mặt hàng phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối và bám rễ sâu vào thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Hapro - cho hay, dịp Tết Nguyên đán năm nay, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế lớn trong cơ cấu hàng tại hệ thống siêu thị Hapro Mart. Thực tế, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn hàng Tết do các doanh nghiệp trong nước sản xuất do chất lượng bảo đảm, mẫu mã không thua kém hàng ngoại song giá thành lại thấp hơn, tạo sức cạnh tranh đáng kể.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart - nhìn nhận, dịp Tết này, hàng hóa nước ngoài chỉ chiếm số lượng ít, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo của doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn, cao hơn hẳn mọi năm.
Theo đông đảo người tiêu dùng, dịp Tết năm nay, ưu tiên lựa chọn hàng đầu là hàng Việt Nam uy tín. Bởi thực tế đến nay, một số thương hiệu thực phẩm trong nước đã khẳng định được chất lượng như bánh kẹo Hải Châu, Hữu Nghị, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm chế biến Đức Việt, Vissan... Trong đó, bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam là một trong những mặt hàng đang chiếm lĩnh thị trường.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Việc tổ chức các trung tâm bán hàng phục vụ Tết đã góp phần quảng bá sản phẩm Việt, qua đó từng bước tạo niềm tin và chỗ đứng của hàng Việt trong người tiêu dùng, giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. |