Đóng góp lớn của người Việt Nam ở nước ngoài
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, sau khi một số loại nông sản của Việt Nam như xoài, thanh long, vải, nhãn… được cấp phép nhập khẩu vào Australia, việc đầu tiên thương vụ làm để quảng bá các sản phẩm này là phối hợp với các kênh phân phối của cộng đồng người Việt tại Australia để quảng bá tại hệ thống của họ. Đồng thời, tổ chức các sự kiện “Ngày vải, ngày thanh long, ngày nhãn Việt Nam…” trong cộng đồng sinh viên, người Việt tại Australia. Từ đó, lan tỏa sản phẩm đến cộng đồng dân cư bản địa.
Rất đông người Việt, du học sinh cũng như người Australia đã đến mua và thưởng thức trái cây Việt Nam |
Không chỉ tại Australia, cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhiều năm qua đã đóng góp rất lớn vào việc triển khai thành công CVĐ. Theo báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, xu hướng người Việt nhập khẩu, phân phối và cung ứng hàng Việt tại các nước ngày càng tăng. Nhiều người đã thành lập và trở thành chủ sở hữu của các cửa hàng, chợ, trung tâm, tổ hợp thương mại, chuỗi siêu thị tập trung phân phối, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại Việt Nam. Tại các khu chợ và siêu thị của người Việt ở nhiều nước Đông Âu, Nga, Đức… có đến 90% các mặt hàng đến từ Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, giày da… Một số trung tâm thương mại lớn của người Việt tập trung kinh doanh hàng Việt Nam tại các nước đã trở thành niềm tự hào của người Việt như: Trung tâm Hà Nội – Matxcova (Nga), Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đức), Trung tâm Thăng Long (Hungary)… Tại Pháp, siêu thị Thanh Bình Jeune tổ chức Tuần hàng Việt Nam và Hàng Tết quê tôi là hoạt động thường niên giúp quảng bá hàng Việt hiệu quả đến cộng đồng sở tại.
Các hiệp hội, hội đoàn doanh nghiệp, doanh nhân người Việt tại hầu hết các nước cũng đang tích cực phát huy vai trò kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước và là cầu nối để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước sở tại. Điển hình như Hội Doanh nhân người Việt tại Sydney đã hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc xuất khẩu thanh long ruột đỏ vào Australia thông qua một số công ty người Việt tại Australia. Hoặc tháng 6/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (VIBAK) đã tổ chức diễn đàn kinh tế Việt kiều lần thứ nhất tại Incheon, Hàn Quốc, đồng thời trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.
Dù đã có một số thành tích nhưng việc vận động người Việt Nam tại nước ngoài hưởng ứng CVĐ thời gian qua còn một số hạn chế như địa bàn một số nước, người Việt Nam còn phân tán, sinh sống rải rác, khiến việc tuyên truyền vận động gặp khó khăn. Một bộ phận cộng đồng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít gắn bó với hàng Việt Nam. Chất lượng, mẫu mã hàng Việt chưa đa dạng cũng khiến nhiều người chưa ưu tiên chọn lựa. Chưa kể, nạn hàng nhái, hàng giả hoành hành, khiến nhiều người chưa tin tưởng hàng Việt Nam.
Do đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ đặt mục tiêu phối hợp với các tổ chức, hiệp hội người Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về CVĐ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thúc đẩy vai trò của các hội đoàn, hiệp hội người Việt tại nước ngoài trong việc trở thành đầu mối nhập khẩu hoặc trung gian đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối hàng hóa nước sở tại. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, xây dựng, kiến nghị sửa đổi chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam…
Nhiều địa bàn, nhất là những nơi có đông dân cư người Việt như Thái Lan, Séc số người biết đến CVĐ lên đến 70 - 80%. |