Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch lại hệ thống logistics
ĐBSCL xây dựng quy hoạch hệ thống dịch vụ logistics mới (cảng Cái Cui - Cần Thơ) |
Việc lập quy hoạch logistics nhằm nâng cao năng lực ở lĩnh vực này cho khu vực ĐBSCL cũng như để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của vùng dự báo sẽ tăng cao trong tương lai.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, mặc dù vùng ĐBSCL đã có hệ thống logistics đang hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Với dự báo lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng ĐBSCL trong tương lai sẽ rất lớn (khoảng 25 - 28 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 66,5 - 71,5 triệu tấn/năm đến năm 2030) thì quy hoạch mới phải đảm bảo khả năng lưu thông hàng hóa của toàn vùng. Trong quy hoạch phải quy hoạch từng điểm để xác định có mấy hệ thống trung tâm, mấy điểm cụm để trên cơ sở đó đầu tư hạ tầng, hệ thống kho, kể cả kho ngoại quan nhằm phục vụ cho hoạt động logistics của vùng được thông suốt.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ chính sách - Đối ngoại VLA cho biết, việc lập quy hoạch logistics cho ĐBSCL cần phải căn cứ vào ba điểm: thứ nhất là các văn bản quy hoạch chung của quốc gia; thứ hai là định hướng của từng địa phương cũng như định hướng chung của vùng; và thứ ba là căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và tầm nhìn sắp tới của vùng, đặc biệt là ở xuất nhập khẩu. Quy hoạch trung tâm logistics vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ là hiệu quả nhất thay vì phải đầu tư cho cả hai trung tâm là Cần Thơ và Long An như quy hoạch trước đây vì nguồn lực đầu tư hiện nay còn khó khăn trong khi Long An lại nằm quá gần TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Ngoài ra, trong quy hoạch logistics cho vùng cần phải tính đến phương thức vận tải bằng đường không, vận tải đa phương thức... để đưa hàng hóa của vùng đến các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia, đặc biệt là các DN hoạt động ở lĩnh vực này. Dựa trên cơ sở thống nhất quy hoạch của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và VLA sẽ đưa ra bàn bạc với các tỉnh, thành trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương.
Theo đó, VLA có nhiệm vụ rà soát lại quy hoạch và đề xuất quy hoạch mới tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề xuất các danh mục dự án cần đầu tư và các cơ chế chính sách hỗ trợ. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có trách nhiệm mời các tỉnh, thành trong khu vực để lấy ý kiến sau đó lấy ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương và trình Chính phủ phê duyệt. Thời gian triển khai rà soát và xây dựng quy hoạch mới được thực hiện từ nay đến tháng 6/2017.