Âm nhạc dân gian Khmer có nhiều loại hình khác nhau như dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc Mhôry, múa trống Sa dam, hát À day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer bao đời nay.
Dàn nhạc ngũ âm Khmer (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) |
Chỉ riêng dòng nhạc Chầm riêng Chà pây là hình thức độc diễn độc đáo, người diễn vừa hát vừa đàn bằng nhạc cụ Chà pây. Hát Chầm riêng Chà pây mang tính kể chuyện, thỉnh thoảng pha chút hài hước gây hào hứng. Nội dung thường là những câu chuyện cổ tích, thần thoại, dân gian, các mẩu chuyện tốt xấu để răn dạy con người. Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Dàn nhạc ngũ âm (Phlêng Pinpeat) |
Còn dòng nhạc À day với hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, phổ biến nhất là song ca, đôi khi có tam ca, tứ ca phục vụ cuộc vui, dịp lễ, tết… Hát À day có tính hài hước và mang tính thời sự với những câu chuyện hiện thực trong cuộc sống được người hát đối đáp theo lối ứng khẩu thành thơ, rất nhạy bén để thu hút người nghe. Dòng nhạc lễ, nhạc Mhôry… cũng có những đặc trưng, độc đáo riêng.
Nghệ nhân Danh Yên, Đội nhạc lễ ấp Tam Sóc xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng) biểu diễn nghệ thuật Chầm riêng Chà pây |
Theo Tiến sĩ, nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng: “Dân tộc Khmer hiện nay đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại, đó là kho tàng nhạc khí dân gian đa dạng và độc đáo. Kho tàng nhạc khí dân gian Khmer mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt chiều dài lịch sử, kho tàng nhạc khí mang ý nghĩa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội người Khmer Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, phục vụ đời sống cộng đồng”.
Hiện các tỉnh thành có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều chùa, trường học, phum sóc được trang bị đầy đủ bộ nhạc ngũ âm (Phlêng Pinpeat) và thành lập đội văn nghệ (đội nhạc). Để tấu các nhạc cụ này, đòi hỏi người sử dụng phải biết sử dụng một cách thành thạo, hiểu được cách thức hòa âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới có thể thể hiện được.