Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, cho biết, đơn vị đang tích cực giới thiệu sản phẩm cà phê nông sản (cà phê vị dừa, cà phê vị khoai môn, cà phê vị nhàu…) tại các triển lãm, hội chợ xuân đang diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cà phê nông sản là dòng sản phẩm chính của doanh nghiệp này hiện nay.
Theo ông Luận, sau một thời gian miệt mài và không bỏ cuộc, tham gia hầu hết khắp hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đến nay, cà phê nông sản mang thương hiệu Meet More đã chính thức xuất khẩu chính ngạch sang được hơn 10 nước trên thế giới.
“Đơn hàng sau Tết thời điểm này khá khả quan, khách hàng đã đặt trước. Qua Tết Nguyên đán, chúng tôi có đơn hàng đầu tiên của năm 2023 đi Mỹ và vài ngày sau nữa là đơn hàng đi châu Âu. Mục tiêu chính năm 2023 của chúng tôi là phải lấy được toàn bộ thị trường châu Âu”, ông Luận kỳ vọng.
Tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết ngành nông nghiệp mới đây, sản phẩm nước dừa Vico Fresh của Công ty CP Chế biến Dừa Á Châu (ACP) nhận được nhiều sự quan tâm của quan khách.
Đại diện doanh nghiệp cho biết sản phẩm nước dừa Vico Fresh hiện nay đã tiếp cận nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và châu Úc. "Tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường Mỹ và châu Âu ghi nhận tín hiệu gia tăng do phù hợp xu hướng tiêu dùng clean-based từ thực vật", vị này nói thêm.
Các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới qua các hội chợ, triển lãm |
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp về lĩnh vực gạo, cà phê, bún miến, trái cây tươi đã tăng tốc và bứt phá tìm kiếm các thị trường mới. Cùng với việc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp cũng hết sức khả quan.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới, đạt hơn 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Việt Nam hiện có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD, tôm 4,33 tỷ USD, cà phê 3,94 tỷ USD, gạo 3,49 tỷ USD, cao su 3,31 tỷ USD, rau quả 3,34 tỷ USD và hạt điều 3,07 tỷ USD. Một số mặt hàng chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính.
Thay đổi tư duy, bám sát thị trường
Tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp 2022, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp năm 2023 đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính là kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.
Thủ tướng Chính Phủ cho rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, chuyển đổi tư duy sẽ có nguồn lực”. Cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ đề ra các giải pháp cho năm 2023. Một là, việc xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch. Hai là, quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Ba là, đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.