Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhiều sản phẩm đã vào Nhật, Mỹ, châu Âu
Nêu thực tế từ hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long cho biết, doanh nghiệp của ông đã “chen chân” được vào chuỗi cung ứng khi cung cấp các linh kiện cơ khí cho một số doanh nghiệp FDI và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng thay thế của ông Nguyễn Ngô Long (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) hiện vẫn hoạt động hết công suất để đáp ứng những đơn hàng của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đặt hàng.
Theo ông Long, cơ khí là lĩnh vực có độ chính xác cao, thâm dụng vốn, biên lợi nhuận thấp. Để làm được điều này, trong suốt 20 năm hoạt động trong ngành, doanh nghiệp đã định hướng và đầu tư mạnh vào trang thiết bị sản xuất hiện đại, cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả, kiên trì với mục tiêu sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các linh kiện phụ tùng nhập khẩu.
Chia sẻ bí quyết tham gia vào chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, doanh nghiệp chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao - cho biết, hiện đã xuất khẩu khuôn mẫu sang Mỹ cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, trước đó còn có xuất khẩu sản phẩm sang Pháp, Đức, Ý…
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Tuy vậy, để có đơn hàng thì ông đặt ra giá phải rẻ hơn Trung Quốc và chất lượng phải tốt hơn. “Chúng ta đều biết, Trung Quốc sản xuất một sản phẩm với giá rất rẻ. Do đó, để lấy được đơn hàng, giành được việc của Trung Quốc thì chúng ta phải làm với giá rẻ hơn”, ông Nguyễn Văn Trí cho hay.
Trên thực tế, hiện nay nhiều sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợtinh xảo của doanh nghiệp Việt Nam chế tạo đã vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu… Bà Bùi Thị Hồng Hạnh – Giám đốc điều hành NC Network cho biết, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ đã lấy được đơn hàng và chen chân vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Điều này cho thấy công nghệ, năng lực, kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam rất tốt và sẽ tốt hơn nữa nếu chúng ta quyết tâm.
Liên kết, giảm giá thành
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải - Thaco cho rằng với các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, nhận những đơn hàng đầu tiên thì đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ, hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức cần phải vượt qua vì khi vượt qua rồi chúng ta sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần liên kết cùng nhau để giảm giá thành sản phẩm |
Ông Tài cho biết những đối tác lớn thường ép giá nhà sản xuất vì mục tiêu của họ là sản xuất số lượng lớn và mong có sự hợp tác lâu dài. Việc ép giá đôi lúc là để chúng ta có động lực tiếp tục cải tiến chuỗi sản xuất của mình, trong đó, có vấn đề quản trị.
Có khách hàng khi mua hàng thì đặt vấn đề với chúng tôi giá năm sau phải giảm ít nhất 20% so với năm trước. Việc hợp lý hoá chuỗi sản xuất, cắt giảm chi phí, tránh lãng phí là bắt buộc phải làm.
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Samsung đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương để tìm và xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại trong nước. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang đầu tư vào Việt Nam, do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất lớn.
Tuy nhiên, để tiếp cận được khách hàng và ký thành công đơn hàng, doanh nghiệp phải cải tiến máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng nhân lực.
Để tiếp cận khách hàng và có được đơn hàng, ông Ngô Khải Hoàn cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết với nhau để cùng chia sẻ đơn hàng, hướng đến mục tiêu giảm giá thành và ký thành công đơn hàng.
Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp
TS Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM, cho biết trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế khi ở vị trí trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương, là vùng năng động nhất để phát triển, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tuy vậy, để trả lời câu hỏi Việt Nam có công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công không thì không có đáp án cụ thể. Vấn đề của Việt Nam, theo ông Thành, khi xác định "hạt giống tiềm năng" thì cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Đó là những công ty tiên phong, thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, xây dựng chuỗi cung ứng thường gắn với những lợi thế so sánh, chi phí vận chuyển, tự động hóa... nên câu chuyện không chỉ còn là hiệu quả, công nghệ mà còn là lòng tin giữa các đối tác, xu hướng bảo hộ gia tăng.
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch hội doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng, nhưng nếu có bệ đỡ chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ có năng lực tốt hơn. Với Hội Cơ khí điện thành phố đang xây dựng chương trình "Made by Việt Nam", để làm sao giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh được.
"Làm sao để khi nhà mua hàng đưa ra mà không bỏ chạy, thì cần cải tiến hệ thống, bệ đỡ chính sách, chi phí tài chính, đầu tư, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cải tiến, xây dựng tinh thần Việt để doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm theo đúng nghĩa là Made by Việt Nam" - ông Đỗ Phước Tống nói.